Phát động 'Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030'

Sáng 10/6, tại Trường đại học Phenikaa (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ phát động 'Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030'. Sự kiện do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào.

Tại điểm cầu Quảng Bình, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài là chủ trương được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần phê duyệt các đề án xây dựng xã hội học tập theo các giai đoạn. Việc triển khai, thực hiện các đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD) thường xuyên được củng cố, phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động.

Hiện, cả nước có 17.459 CSGD thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, 10.469 trung tâm học tập cộng đồng... 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.

Phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong, chủ trì lễ phát động tại điểm cầu Quảng Bình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong, chủ trì lễ phát động tại điểm cầu Quảng Bình.

Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, những năm qua, sự nghiệp trồng người đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. GD-ĐT được xác định là quốc sách hàng đầu. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền của đất nước. Nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp ra đời mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.

Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm nhuần vào từng người, từng gia đình, dòng họ, khu dân cư… Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương vượt khó học tập là người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, toàn xã hội, nhất là Hội Khuyến học được tăng cường, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi bưỡng nhân tài.

Các đại biểu dự lễ phát động tại điểm cầu Quảng Bình.

Các đại biểu dự lễ phát động tại điểm cầu Quảng Bình.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và toàn dân tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Mặt khác, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, cách làm hay. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động của những CSGD, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được thỏa mãn.

Thủ tướng chỉ đạo huy động sự chung tay đóng góp của toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập; khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam cùng một số địa phương đã phát biểu hưởng ứng nồng nhiệt, cam kết triển khai và phát động phong trào nhằm góp phần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202306/phat-dong-ca-nuoc-thi-dua-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-day-manh-hoc-tap-suot-doi-giai-doan-2023-2030-2209895/