Phát động chiến dịch thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng

Sáng 21.10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.

Sự kiện nằm trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại ba quốc gia - Việt Nam, Lào và Campuchia. Nội dung của chiến dịch nhằm nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang đối mặt: Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Ông Văn Ngọc Thịnh, CEO Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam phát biểu khai mạc

Ông Văn Ngọc Thịnh, CEO Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam phát biểu khai mạc

Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Đây là nguy cơ có thể lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, việc sử dụng thịt thú rừng còn dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã, góp phần gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng.

Phát biểu khai mạc, ông Văn Ngọc Thịnh, CEO Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam cho biết, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên.

Hình ảnh thịt thú rừng được trưng bày tại buổi họp báo

Hình ảnh thịt thú rừng được trưng bày tại buổi họp báo

Theo lãnh đạo WWF Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gen quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Do phạm vi của chiến dịch khá rộng, nên WWF thống nhất với các đơn vị khoanh vùng đối tượng mục tiêu là người tiêu dùng thành thị. Tổ chức này cho rằng, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF Việt Nam phát biểu

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF Việt Nam phát biểu

Chung quan điểm, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF Việt Nam cho biết, đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất nằm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng, và thường sử dụng thịt thú rừng trong các dịp liên hoan tại các nhà hàng.

Nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%. Đáng chú ý là 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai. Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người. Hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt rừng.

Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lay truyền từ động vật.

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y phát biểu

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y phát biểu

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT chỉ rõ, một trong những nguyên nhân làm bùng phát những dịch bệnh như Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh Đậu mùa khỉ... là do sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm.

Nhằm cung cấp một giải pháp tổng thể, WWF ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị. Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong suốt thời gian chiến dịch nhằm tiếp cận đa dạng các đối tượng, giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng, đặc biệt là những loài nguy cơ cao như cầy hương, khỉ và tê tê.

Chi An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/phat-dong-chien-dich-thay-doi-hanh-vi-tieu-thu-thit-thu-rung-i304388/