Phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc

Sáng 10/7, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 toàn quốc năm 2021-2022. Lễ phát động được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới 63 điểm cầu ở các địa phương trên cả nước và 7 điểm cầu tại các quân khu. Dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động

Tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí: Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Vũ Tiến Dũng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Lâm - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 toàn quốc được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở các tuyến.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu Phú Thọ

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu Phú Thọ

Theo đó, việc sử dụng vắc xin COVID-19 cho các đối tượng có nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin COVID-19 trong năm 2021. Tới hết quý I/2022 trên 70% dân số sẽ được tiêm vắc xin COVID-19.

Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 9 triệu liều vắc xin COVID-19 được tiếp nhận. Hơn 18.000 điểm tiêm trên cả nước bao gồm cả tiêm chủng lưu động. Kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, quỹ vắc xin COVID-19 và nguồn viện trợ. Ban chỉ đạo chiến dịch trực 24/24 và thiết lập các tiểu ban về giám sát chất lượng, phản ứng sau tiêm... đảm bảo an toàn tối đa.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân trong việc đẩy lùi dịch bệnh cũng như đưa đất nước trở lại bình thường, để phát triển theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Toàn cảnh lễ phát động tại điểm cầu Phú Thọ

Toàn cảnh lễ phát động tại điểm cầu Phú Thọ

Theo Thủ tướng, không chỉ nước ta mà cả thế giới đều không lường trước được diễn biến của COVID-19. Đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.

Ngay từ khi dịch COVID-19 khởi phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan đã bám sát tình hình dịch bệnh. Thường xuyên, kịp thời đưa ra các giải pháp linh hoạt và sáng tạo để đảm bảo chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Việc sử dụng vắc xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng chia sẻ của nhân dân. Những liều vắc xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này, vắc xin chưa có nhiều sẽ dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì, tính toán, thể hiện tình cảm đồng chí đồng bào rất nồng ấm và thể hiện tình cảm tương thân tương ái của dân tộc ta. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, gian khổ song với tinh thần đoàn kết thống nhất, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm trên dưới một lòng thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc xin.

Hoàng Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-trong-nuoc/202107/phat-dong-chien-dich-tiem-chung-vac-xin-covid-19-toan-quoc-178206