Phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân

Viện trưởng VKSND tối cao vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC về phát động phong trào thi đua yêu nước trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) năm 2024. Theo đó, phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành được phát động với chủ đề 'Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024'.

Chỉ thị nêu rõ: Năm 2024, ngành KSND tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Ngành, đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ được giao; Viện trưởng VKSND tối cao phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024”, tập trung thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ được Chỉ thị này xác định

Trước hết, các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tổ chức triển khai thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 109-NQ/BCSĐ ngày 18/12/2023 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về lãnh đạo công tác thi đua, khen thưởng trong ngành KSND; tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của cả nước và của Ngành, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả, thành tích cao hơn năm trước.

Thi đua phải trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của từng cá nhân và tập thể trong toàn Ngành, thi đua toàn diện, gắn liền với các lĩnh vực công tác, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 22 đơn vị tại Hội nghị triển khai công tác của ngành KSND năm 2024. (Ảnh minh họa)

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 22 đơn vị tại Hội nghị triển khai công tác của ngành KSND năm 2024. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, công tác khen thưởng phải đảm bảo khách quan, thực chất, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch, trên cơ sở nắm chắc thông tin, đánh giá chính xác, toàn diện kết quả, thành tích. Chú trọng phát hiện, khen thưởng đột xuất các tập thể và cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ, có thành tích xuất sắc, nổi trội, có sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, có khả năng nhân rộng. Quan tâm bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đề nghị khen thưởng hình thức cao, góp phần tạo động lực thi đua.

Mặt khác, thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, phát huy vai trò nêu gương, “nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”, là người chỉ đạo, tổ chức thi đua, đồng thời là người đi đầu trong việc thực hiện bằng những việc làm, kết quả cụ thể, nổi trội, thực sự là tấm gương về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong của người cán bộ Kiểm sát, về thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Chỉ đạo đổi mới về hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện hoạt động của đơn vị, địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời chỉ đạo, rút kinh nghiệm nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về nhận thức và hành động trong công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị; nghiêm cấm bao che hoặc bỏ qua sai phạm của cá nhân vì thành tích của tập thể. Tổ chức lại các cụm, khối thi đua theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cụm, khối thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết, tăng cường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Chỉ thị của Viện trưởng cũng giao Vụ Thi đua - Khen thưởng rà soát, tham mưu đề xuất hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng trong ngành KSND phù hợp với các quy định mới của pháp luật; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi đua, khen thưởng với nội dung cụ thể, cách thức tổ chức linh hoạt, hiệu quả; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, quản lý dữ liệu số về thi đua, khen thưởng.

Ngoài ra, Chỉ thị của Viện trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động thi đua, khen thưởng của Ngành; Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao và các trang thông tin điện tử của các đơn vị trong toàn Ngành tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, phối hợp với Vụ Thi đua - Khen thưởng và các đơn vị để trao đổi thông tin, lựa chọn nội dung, kịp thời phổ biến các văn bản về thi đua, khen thưởng, tuyên truyền về kết quả, thành tích trong phong trào thi đua của Ngành, về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ Kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và những đóng góp của ngành Kiểm sát đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Căn cứ Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp quán triệt kịp thời, đầy đủ tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả, quyết tâm phấn đấu đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của ngành KSND năm 2024.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/phat-dong-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-trong-nganh-kiem-sat-nhan-dan-151449.html