Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020
Sáng 1-6, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề: 'Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em', nhằm vận động các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng tham gia tích cực hơn nữa vào việc bảo vệ trẻ em, nhất là phòng, chống xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa tổ chức giám sát cấp cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nêu rất rõ trách nhiệm của từng ngành nghề, mỗi thầy cô giáo, bậc phụ huynh và cả chính trẻ em. Những điều này khẳng định, Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo luôn dành cho trẻ em những tình cảm, sự chăm lo và phát triển tốt nhất.
Việt Nam hiện có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, nhưng sự kết hợp vẫn chưa đồng bộ. Việc bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm, nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự phối hợp cụ thể, đồng bộ của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân. Do đó, Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhấn mạnh đến sự “chung tay”.
Chung tay là tất cả các đơn vị, cộng đồng xã hội phải vì các em, bắt đầu từ các em và chăm lo cho các em từng việc như hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, thực hiện chính sách pháp luật một cách nghiêm minh, hiệu quả. Các đơn vị cần đổi mới công tác phối hợp, hành động và đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tổ chức, nhân viên xã hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản công tác tuyên truyền để trẻ sớm biết cách phòng ngừa, "đề kháng" với những tác động không tốt từ bên ngoài. Đồng thời, pháp luật phải xử lý nghiêm tất cả các hành vi xâm hại, bạo lực, đặc biệt là xâm hại thân thể trẻ em. Người đứng đầu mọi cơ quan, đơn vị trước hết phải là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, kêu gọi: "Trong tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta hãy tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch Covid-19, nơi mà trẻ em cảm thấy an toàn, có thể phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột”.
Tháng hành động vì trẻ em cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại địa phương; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột...
Các thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 bao gồm: Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; giãn cách xã hội, cơ hội kết nối gia đình; gia đình cùng vui, đẩy lùi Covid; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng...
Tại lễ phát động, lãnh đạo các bộ, ngành đã tặng học bổng và quà cho trẻ em của Làng trẻ em SOS và học sinh của Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng, Hà Nội. Các em tham dự chương trình cũng nhận được một phần món quà nhỏ ý nghĩa nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/phat-dong-thang-hanh-dong-vi-tre-em-nam-2020-619603