Phát động thi đua hoàn thành các mục tiêu xây lắp Thủy điện Ialy mở rộng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với liên danh nhà thầu thi công Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng phát động thi đua hoàn thành các mục tiêu tiến độ xây lắp năm 2023.

Các đơn vị tham gia xây dựng dự án ký kết giao ước thi đua. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Các đơn vị tham gia xây dựng dự án ký kết giao ước thi đua. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Ban QLDA Điện 2 (đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN giao quản lý điều hành dự án) cho biết: Dự án Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Ialy mở rộng bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% vốn đối ứng của EVN và 70% còn lại được thu xếp từ nguồn vay tín dụng từ Agribank và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Nhà thầu thi công xây lắp các hạng mục chính của dự án (gói thầu số 37 (XL-05)) là liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty Sông Đà – Tổng công ty Vinaconex - Công ty CP Lilama 10.

Đây đều là những nhà thầu có nhiều kinh nghiệm, đã từng thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị nhiều công trình nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam và của EVN.

Dự án được triển khai thi công từ tháng 6/2021. Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; nguyên vật liệu tăng đột biến (xăng dầu có những thời điểm tăng gần 100%, thép tăng 30%, lãi suất ngân hàng tăng cao,...), tuy nhiên CBCNV, người lao động toàn công trường không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ được EVN giao.

Cũng theo Ban QLDA Điện 2, hiện nay, Dự án đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công phần diện tích không vướng rừng tự nhiên trong năm 2021.

Các diện tích có rừng tự nhiên cũng đã được các cấp chính quyền chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, hiện đơn vị đang tiến hành các thủ tục để GPMB bàn giao cho các nhà thầu thi công.

Dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 42/63 gói thầu đáp ứng tiến độ thi công; hoàn thành phê duyệt 50/65 bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục, đáp ứng tiến độ thi công. Tiến độ thi công các hạng mục chính đều vượt tiến độ 1-3 tháng.

Năm 2023, dự án có mục tiêu chính cần hoàn thành như: đổ bê tông cửa lấy nước; lắp đặt cầu trục chân dê; đường hầm dẫn nước hoàn thành đào và gia cố, bê tông cốt thép đạt 2.150m; tháp điều áp hoàn thành bê tông cốt thép buồng dưới; đổ bê tông cốt thép giếng đứng tháp điều áp; đường ống áp lực hoàn thành lắp đặt ống thép và đổ bê tông cốt thép đạt 600m; hoàn thành thi công bê tông và lắp đặt cửa van sửa chữa, cửa van vận hành, cầu trục gian máy, cầu trục trung chuyển...

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân và Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng tặng quà động viên các đơn vị tham gia dự án. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân và Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng tặng quà động viên các đơn vị tham gia dự án. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân biểu dương thành tích mà các đơn vị trên công trường đã đạt được trong thời gian qua và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên các đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu năm 2023 cũng như hoàn thành toàn bộ công trình, sớm đưa các tổ máy vào vận hành đúng tiến độ.

“Nếu để chậm thì không những ảnh hưởng đến tiến độ phát điện các tổ máy mà còn gây nguy cơ làm mất an toàn cho công trình, tăng chi phí xây dựng....” Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh đến các mục tiêu chống lũ năm 2023.

Tổng giám đốc EVN cũng kêu gọi liên danh nhà thầu thi công, Ban Quản lý dự án Điện 2, các đơn vị tư vấn, các tổ chức đoàn thể và toàn thể CBNV cùng nhau đoàn kết, hưởng ứng và thực hiện tốt phong trào thi đua lao động sáng tạo để đạt được nhiều thành tích cao, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu như đã đề ra.

Thay mặt liên danh nhà thầu, Đại tá Tăng Văn Chi – Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô cho biết: Năm 2022 là một năm có tính bản lề của dự án thì năm 2023 là năm tăng tốc của dự án. Giá trị sản lượng thi công năm 2023 gần 900 tỷ đồng, gần gấp hai lần năm 2022; trong đó có nhiều hạng mục quan trọng có cường độ thi công rất cao.

Để đáp ứng được các mục tiêu năm 2023, liên danh nhà thầu đã chuẩn bị vật tư vật liệu, phụ tùng thay thế, có máy móc dự phòng, bổ sung nhân lực, đảm bảo nguồn tài chính, bố trí công việc từng ca cụ thể chi tiết, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật phải sâu sát nắm bắt tình hình hiện trường từng giờ để giải quyết những vướng mắc, những phát sinh.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, liên danh nhà thầu cũng lên kế hoạch tổ chức thi công 3 ca liên tục, bố trí ăn ca cho người lao động đảm bảo sức khỏe; lập kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng ca, từng ngày và tuần; tăng cường trực chỉ huy ban đêm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị...

Liên danh nhà thầu cam kết các mục tiêu trong đợt phát động thi đua này sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch. Dự án NMTĐ Ialy mở rộng được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018.

Mục tiêu dự án nhằm tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia.

Dự án tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, góp phần giảm chi phí nhiên liệu sản xuất điện, giảm phát thải CO2 và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-dong-thi-dua-hoan-thanh-cac-muc-tieu-xay-lap-thuy-dien-ialy-mo-rong/282640.html