Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử-văn hóa Phật giáo Việt Nam
Ngày 28/3, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Trường đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử-văn hóa Phật giáo Việt Nam'.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh và hơn 300 chư tăng, phật tử trong và ngoài tỉnh.
Các tham luận của các nhà nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước trình bày tại hội thảo đã tập trung nghiên cứu về lịch sử hình thành, những đóng góp to lớn của phật giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ cho đến ngày nay.
Trải qua hàng nghìn năm, trong dòng chảy của lịch sử, Phật giáo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt, cũng như đóng góp to lớn cho sự phát triển không ngừng đi lên của dân tộc, đất nước. Trong đó, nhiều sử liệu cho thấy, Hà Tĩnh là vùng đất Phật giáo hình thành từ rất sớm.
Đồng thời Hội thảo làm rõ, sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, những bước thăng trầm của Phật giáo Hà Tĩnh cũng như những đóng góp to lớn của phật giáo vùng quê núi Hồng, sông La đối với Phật giáo Việt Nam, quê hương đất nước Việt Nam.
Hội thảo góp phần tôn vinh những giá trị cao đẹp, để trân quý những thành quả to lớn mà tiền nhân, cũng như các thế hệ tăng ni, phật tử đã dày công cống hiến.
Đặc biệt, nhiều tham luận, ý kiến tập trung đưa ra các luận điểm, luận cứ và bằng chứng khoa học để khẳng định chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Long Ngâm, cạnh Cửa Sót (thuộc địa phận xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay là nơi phát tích của đạo phật Việt Nam.
Các sử liệu và dấu tích để lại chứng minh, cách đây gần 2200 năm, nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ trong quá trình đi truyền đạo sang các nước châu Á, đã dừng chân đầu tiên tại đây và truyền bá đạo phật cho vị phật tử đầu tiên của Việt Nam là Chử Đồng Tử.
Cùng với làm sáng tỏ vai trò của chùa Quỳnh Viên, truyền thuyết về Chử Đồng Tử là người phật tử đầu tiên, các nhà nghiên cứu, hòa thượng, thiền sư cũng nêu lên vấn đề: Cần nghiên cứu bổ sung các dẫn chứng khoa học để tiếp tục làm sáng tỏ và xây dựng di tích này xứng tầm với giá trị lịch sử-văn hóa phật giáo Việt Nam cũng như của dân tộc.