Phật giáo và giáo dục mầm non: Vượt lên khó khăn xây trường cho em

Những vị Ni trẻ sáng lập và điều hành hệ thống trường Mầm non Sen Vàng TP.HCM đã không ngừng nỗ lực, vừa kiến tạo, vừa ươm mầm trí tuệ cho thế hệ trẻ, vừa hỗ trợ cho an sinh xã hội.

Tạo ra một môi trường giáo dục đầy tình thương cho trẻ từ khi còn nhỏ là một sứ mệnh cao cả. Trong hành trình này, những vị Ni trẻ sáng lập và điều hành hệ thống trường Mầm non Sen Vàng TP.HCM đã không ngừng nỗ lực, vừa kiến tạo, vừa ươm mầm trí tuệ cho thế hệ trẻ, vừa hỗ trợ cho an sinh xã hội. Tất cả được bắt đầu từ những câu chuyện thiết thực, gắn bó mỗi ngày...

Ngôi trường tràn ngập tiếng cười

Trải qua 4 năm hoạt động, Trường Mầm non Sen Vàng (cơ sở 1 tại H.Bình Chánh) không chỉ là nơi chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn là ngôi nhà thứ hai của các bé.

Khi chúng tôi đến, bé Văn Mai Hương (5 tuổi), một trong những học sinh năng động của trường, không ngần ngại kéo chúng tôi đến những góc học tập của mình và tự tin thể hiện những phép tính mà các cô giáo đã dạy bé. Khi được hỏi về niềm vui khi đi học, bé mạnh dạn chia sẻ: “Con thích đi học để chơi cùng các bạn và các cô. Các cô dạy con làm toán, đọc chữ, chơi với con. Ước mơ của con là học thật giỏi để lên lớp 1 con được làm lớp trưởng”.

Các bé bên quý Sư và cô giáo ở trường - Ảnh: MNSV

Các bé bên quý Sư và cô giáo ở trường - Ảnh: MNSV

Với các phụ huynh, con được học ở Trường Mầm non Sen Vàng là đều may mắn và hạnh phúc. Chị Ngọc Yến, phụ huynh bé Phương Trang (5 tuổi) bày tỏ: “Con của em chậm nói, nên khi con 3 tuổi, em ‘đánh cược’ xin cho con vô trường học, để hòa đồng với các bạn. Sau khi trình bày, được quý Sư cô đón nhận, và được hỗ trợ rất nhiều về tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt, đó là khoảnh khắc vui sướng đầu tiên, mà em nhớ mãi không quên. Có quý Sư, em yên tâm rất nhiều”.

Nhìn con hoạt bát, vui chơi bên các bạn, trong niềm hạnh phúc, chị Yến bộc bạch thêm: “Điều em tâm đắc nhất khi cho con học với quý Sư cô là sự yên tâm. Lúc đầu lo bé không nói được, bé thể hiện cử chỉ các cô không hiểu, nhưng các Sư dạy, bé có tiến bộ; thậm chí là em dạy bé không tiếp thu, không hợp tác nhưng các Sư, các cô dạy bé biết tự giác. Bé phụ mẹ làm công chuyện, biết thay đồ, biết bỏ rác, bé ăn xong bé đi đánh răng. Khi đi học tiếp xúc bạn, được tình yêu thương nên về biết nhiều hơn, quan tâm mẹ hơn. Khi đòi gì mẹ không cho, mẹ đi chỗ khác, lát bé tự lại hun mẹ. Ngày lễ bé làm thiệp, tự mở cặp ra, lấy thiệp đưa cho mẹ. Khoảnh khắc đó em rất là hạnh phúc”.

Một phụ huynh khác, mẹ của bé Hoàng Minh cũng bày tỏ niềm xúc động trước sự lớn khôn của con mỗi ngày được học ở Mầm non Sen Vàng: “Các cô ở đây chăm sóc các con rất chu đáo, dạy con biết tự lập. Khi về nhà, con biết dẹp đồ chơi của mình và bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Thấy con biết tự lập như vậy, mình cảm thấy rất vui và biết ơn các cô”.

Khi Sư cô làm cô giáo

Trường Mầm non Sen Vàng, cơ sở 1 huyện Bình Chánh, do Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thành lập vào năm 2020. Cơ sở hiện có 6 giảng viên, 2 bảo mẫu, 1 cấp dưỡng, được quản lý bởi Sư cô Thích nữ Tâm Uyên (tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý giáo dục tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP.HCM). Nơi đây đang đón 28 con em của các gia đình Phật tử, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo học.

Ni sư Như Nguyệt (trái) thăm giờ ôn bài của các em lớp Lá - Ảnh: Như Danh

Ni sư Như Nguyệt (trái) thăm giờ ôn bài của các em lớp Lá - Ảnh: Như Danh

Tại Mầm non Sen Vàng, tiền học phí và các khoản thu của các em luôn ở mức thấp nhất so với mặt bằng chung. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, sau khi quý Sư cô tiếp xúc và hiểu sự vất vả của phụ huynh đã quyết định không thu phí và chỉ nhận hỗ trợ tiền ăn từ phụ huynh cho các bé. Điều này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình, tạo điều kiện cho các phụ huynh, gia đình Phật tử khi gửi con em học tập tại trường.

Sư cô Tâm Uyên, chủ nhiệm lớp mẫu giáo Sen Vàng, cho biết: “Có một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện cho con đến lớp, nhà trường luôn nỗ lực động viên và không thu bất kỳ khoản phí nào để bé có thể đến trường, được chăm sóc và dạy dỗ chu đáo như các bạn bè đồng trang lứa”.

Sư cô Tâm Uyên, chủ nhiệm lớp mẫu giáo Sen Vàng chơi cùng các em - Ảnh: Như Danh

Sư cô Tâm Uyên, chủ nhiệm lớp mẫu giáo Sen Vàng chơi cùng các em - Ảnh: Như Danh

Hành trình từ một người tu sĩ đến với con đường giáo dục mầm non không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là ở một lĩnh vực đòi hỏi sự yêu nghề và mến trẻ. Ở trường mầm non này, có những trường hợp đặc biệt như trẻ bị tăng động hoặc chậm nói, khi đã nhận các em vào lớp thì các Sư cô, giáo viên phải luôn kiên trì, để giúp các em hòa nhập môi trường học tập và tương tác với các bạn cùng lứa.

“Có trường hợp bé bị tự kỷ, khi gửi con đến trường, phụ huynh rất lo lắng. Suốt một tháng đầu đến lớp, bé đều la hét và không thể hòa nhập cùng với bạn bè. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian được các Sư cô tận tình chăm sóc và dạy dỗ bằng kiến thức chuyên môn của mình, bé đã rất tiến bộ và dần hòa nhập được với các bạn trong lớp. Cả phụ huynh và giáo viên đều không kiềm được sự vui mừng”, Sư cô Tâm Uyên chia sẻ.

Ra đời cơ sở thứ 2 và 3

Xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng tha thiết của Phật tử, đặc biệt là phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn mơ ước về một lớp học ít tiền, được quý Sư giảng dạy ngày càng nhiều. Năm 2023, Ni sư Như Nguyệt cho ra đời thêm một cơ sở Trường Mầm non Sen Vàng tại TP.Thủ Đức vào đầu năm học mới 2024-2025, cơ sở thứ 3 Mẫu giáo Sen Vàng quận 7 đã được thành lập, đón thêm 38 em đến trường.

“Điều hạnh phúc là Mầm non Sen Vàng có được sự cộng tác của các Sư cô nhiệt huyết, có tâm với nghề. Hy vọng rằng sau này, điều này sẽ lan tỏa ra nhiều nơi hơn, tạo điều kiện để mở thêm nhiều cơ sở mầm non Phật giáo, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng Phật tử”.

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt

“Trường mầm non quá ít trong khi nhu cầu con em Phật tử tìm trường do Phật giáo mở thì rất nhiều, mình không đáp ứng được. Nhiều Phật tử tìm đến tôi tâm sự rằng họ muốn gửi con theo học tại trường mầm non của Phật giáo nhưng tại quận đang sinh sống không có hoặc phải di chuyển khá xa để đưa con đến lớp”, Ni sư Như Nguyệt chia sẻ về lý do mở thêm trường mầm non cho em.

Dù là trường mầm non Phật giáo nhưng tất cả các giáo viên và cơ sở vật chất của 3 cơ sở Mầm non Sen Vàng đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí của ngành giáo dục đề ra. Mỗi cơ sở có 6 giảng viên, 2 bảo mẫu, 1 cấp dưỡng; có 3 phòng học, và các phòng chức năng như: phòng âm nhạc, phòng kể chuyện, phòng đa năng. Tất cả giáo viên, bảo mẫu đều có bằng cấp theo quy định, tham gia đầy đủ các khóa tập huấn. “Từ ngày mở trường chưa ngày nào dư được kinh phí, nói đúng hơn là tháng nào cũng bù lỗ - không nhiều thì ít. Học phí của 3 cơ sở chỉ dừng ở mức đủ chi. Một số giảng viên thấy thu nhập trường không đủ đã chủ động giảm tiền lương”, Ni sư Như Nguyệt cho biết thêm.

Những nỗ lực của Ni sư Như Nguyệt và các Sư cô điều hành hệ thống Trường Mầm non Sen Vàng không chỉ là hành trình xây dựng nơi giáo dục cho trẻ em, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, góp phần vào công tác an sinh, mà còn là một lời kêu gọi sự quan tâm từ Giáo hội Phật giáo, hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng Phật tử và các cơ quan, để mở thêm nhiều trường mầm non Phật giáo. Từ đó, ngành giáo dục mầm non của Phật giáo sẽ trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống, lan tỏa những giá trị đến cho cộng đồng và xã hội.

Lan Anh/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/phat-giao-va-giao-duc-mam-non-vuot-len-kho-khan-xay-truong-cho-em-post73330.html