Phát hành sách mới khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Cuốn sách mới mang tên 'Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam' của tác giả Trần Mỹ Hải Lộc là tác phẩm nghiên cứu từng đoạt giải Nhì nghiên cứu khoa học Euréka của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh, được các chuyên gia có kinh nghiệm bổ sung, thẩm định trước khi phát hành.

Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam (Luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử từ hệ thống bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức phương Tây) do Nhà xuất bản Đồng Nai và Mây Thong Dong ấn hành tháng 6/2024.

Bìa cuốn sách "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" mới phát hành. (Nguồn: NXB)

Bìa cuốn sách "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" mới phát hành. (Nguồn: NXB)

Cuốn sách là công trình tổng hợp có hệ thống, có tính đúc kết một cách mới mẻ dựa trên sự kế thừa những tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà sử học trong và ngoài nước, với một số tư liệu đặc biệt là các bản đồ của cả ba phía: Việt Nam, Trung Quốc, các nhà địa lý học - tổ chức phương Tây; kết hợp với những luận cứ, luận chứng xác đáng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Khi bản đồ có tính cơ sở pháp lý và đúng theo những quy định của luật pháp quốc tế thì việc bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được thực thi, đảm bảo được hòa bình cho khu vực và thúc đẩy sự phát triển tiềm năng của kinh tế biển Việt Nam.

Ngoài ra, cuốn sách cũng tạo lập một tài liệu có tính khoa học để những người đi sau có thể tham khảo và tiếp tục phát triển sâu hơn nữa.

Trên cơ sở này, những nội dung trình bày trong cuốn sách sẽ tiếp tục được tác giả đào sâu nghiên cứu trong thời gian sắp tới.

Tác giả chia sẻ: “Bên cạnh việc ghi chép lại, quá trình xác lập chủ quyền từ thời nhà Nguyễn và những mộc bản do các triều đại phong kiến Việt Nam để lại đã góp phần quan trọng để Việt Nam khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình.

Việc phân tích các chứng cứ lịch sử nói trên kết hợp với những quy định của công pháp quốc tế là một trong những cơ sở khoa học và thực tế nhằm xác định cơ sơ lịch sử, cơ sở pháp lý, quyền chiếm hữu và khai thác lâu dài của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là việc làm cần thiết để có cơ sở đấu tranh ngoai giao song phương và đa phương, nhằm bảo vệ vững chấc chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo, cũng như phục vụ cho việc nghiên cứu về những biến động, hợp tác vì an ninh và phát triển tại khu vực Biển Đông”.

Tác giả rất hoan nghênh và chân thành đón nhận những ý kiến đóng góp, phê bình trên tinh thần xây dựng từ bạn đọc, với tinh thần yêu nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng tri thức khoa học.

Nói về tác giả, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và phát triển dự án Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh Hoàng Sơn Giang cho biết: “Tác giả Trần Mỹ Hải Lộc là một nhà nghiên cứu trẻ đầy tâm huyết với các vấn đề quan hệ quốc tế nói chung và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam nói riêng.

Trong những năm qua, tác giả đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm trí để nghiên cứu và bảo vệ chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các chứng cứ lịch sử quý báu. Điều đó được thể hiện qua từng chương mục, từng trang sách, từng hình ảnh mà tác giả đã gửi gắm trong cuốn sách”.

Theo ông Hoàng Sơn Giang, nhan đề của cuốn sách đã làm nổi bật chủ quyền và những giá trị lịch sử, pháp lý đầy thuyết phục.

Ông chia sẻ: “Tôi cho rằng, đây là một công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vô cùng quan trọng và cấp thiết nhằm khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nội dung cuốn sách là tài liệu tham khảo đáng tin cậy dành cho sinh viên và những nhà nghiên cứu quan tâm chủ đề trên”.

ThS. Trần Mỹ Hải Lộc là giảng viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, có 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế và ngoại giao, 8 năm kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hanh-sach-moi-khang-dinh-chu-quyen-bien-dao-viet-nam-276991.html