Phát hành trực tuyến tăng mạnh tại Đức

Trong khi các hiệu sách phải đóng cửa, thất thu, dịch vụ bán sách trực tuyến và sách điện tử, sách nói lại tăng trưởng mạnh ở Đức.

Ngày 8/7 tại Frankfurt, Börsenverein (Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách của Đức) tổ chức cuộc họp báo với tiêu đề “Thị trường sách trong đại dịch: Báo cáo tạm thời”.

 Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt 2018. Ảnh: Getty.

Hình ảnh tại Hội sách Frankfurt 2018. Ảnh: Getty.

Bán sách trực tuyến tăng 20,9%

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức, thị trường sách Đức hầu như không phát triển vào năm 2020.

Nghiên cứu của Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức cho thấy doanh số bán sách năm 2020 đạt 9,3 tỷ EUR (khoảng 11,1 tỷ USD), trong khi doanh số năm 2019 là 9,29 tỷ EUR, tăng ở mức 0,1%.

Các cửa hàng vẫn là kênh bán sách lớn nhất với 3,9 tỷ EUR (4,6 tỷ USD) và chiếm 42%, tuy nhiên mức lợi nhuận thấp hơn 9% so với năm 2019

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ. Mức tăng trưởng doanh số bán sách trực tuyến là 20,9%, từ 1,86 EUR lên 2,24 tỷ EUR.

Doanh số bán sách trên Internet chiếm 24,1% thị trường năm 2020; trong khi năm 2019 chiếm 20%.

Các nhà phát hành sách qua mạng của Đức cũng tăng doanh số 27,2%. Đây là mức tăng gấp gần bốn lần so với tốc độ tăng trưởng doanh số của Amazon tại Đức (amazon.de) (7,2%).

Sách định dạng kỹ thuật số tăng trưởng đáng kể ở Đức cũng như nhiều thị trường khác. Doanh số tải xuống sách điện tử tăng 16,2%. Sách nói tải xuống cũng tăng 24,5%. Lượng đăng ký cố định sách điện tử và sách nói có mức tăng 28,4%.

Chia theo độ tuổi, doanh số sách cho trẻ em và thanh niên tăng 4,7%. Sách du lịch giảm 26,1%. Doanh số bán sách hư cấu giảm 1,6%, sách phi hư cấu giảm 1,3% so với năm 2019.

Số sách xuất bản lần đầu đã giảm từ 70.395 cuốn (năm 2019) xuống còn 69.180 cuốn trong năm 2020.

Năm 2020, có 9.164 đầu sách nước ngoài được dịch và xuất bản ở Đức. Lượng sách Đức bán bản quyền ra nước ngoài là 7.595 đầu sách.

 Giới xuất bản quốc tế quy tụ tại Hội sách Frankfurt 2019. Ảnh: Reuters.

Giới xuất bản quốc tế quy tụ tại Hội sách Frankfurt 2019. Ảnh: Reuters.

Tình hình chưa khả quan trong 6 tháng đầu năm

Ngành công nghiệp xuất bản đang phải đối mặt với chi phí cao hơn, lượng lớn sách tồn đọng, dẫn đến tình hình buôn bán sách hiện nay được đánh giá là “căng thẳng”.

Sang năm 2021, ngành sách Đức vẫn chưa thấy nhiều triển vọng, bởi các điểm bán lẻ đã sụt giảm 22,9% so với năm 2019. Sự thiếu hụt 22,9% điểm bán trong 6 tháng đầu năm nay có liên quan đến việc hiệu sách ngừng hoạt động do Covid-19.

“Chỉ ở Berlin, Brandenburg và Sachsen-Anhalt mới mở cửa hiệu sách trong thời gian này”, theo báo cáo. Điều này góp phần làm tồn đọng sách từ tháng 1 đến tháng 6.

Doanh số bán sách trực tuyến và các kênh khác tăng lên giúp tình hình chung khả quan hơn. Doanh số bán sách ở tất cả kênh 6 tháng đầu năm nay đều thấp hơn 3,7% so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.

Karin Schmidt-Friderichs, người đứng đầu Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách Đức, nói: “Sự quan tâm của mọi người đối với sách không bị gián đoạn. Trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người tìm kiếm nguồn cảm hứng, thông tin có cơ sở và đáng tin cậy, giải trí trong sách”.

Bà Karin Schmidt-Friderichs cho rằng trong hơn 16 tháng qua, các nhà phát hành và nhà xuất bản đã làm việc sáng tạo để mọi người tiếp tục được tiếp cận với sách. Các nhà phát hành sách đã mở rộng dịch vụ kỹ thuật số và có thể tăng khả năng cạnh tranh so với các sàn trực tuyến lớn. Nhiều nhà bán lẻ đã tăng cường mối quan hệ với khách hàng của họ, hiện cố gắng bắt kịp để giảm khoảng cách doanh số từ việc đóng cửa do đại dịch.

Báo cáo này cũng trích dẫn khảo sát nhu cầu người đọc, cho thấy 25% độc giả Đức cho biết đọc sách thường xuyên hơn trước đại dịch. Nhóm có thêm nhiều người đọc sách hơn là công dân trẻ. Nhóm độc giả 10-19 tuổi, tần suất đọc tăng 34%. Nhóm độc giả 20-39 tuổi, tần suất đọc sách tăng 32%.

Các nhà xuất bản và phát hành Đức lạc quan sự kiện Hội sách Frankfurt sẽ khiến nhiều sách mới được xuất bản hơn, những cuộc thảo luận sách cũng rầm rồ hơn, qua đó thúc đẩy thị trường.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hanh-truc-tuyen-tang-manh-tai-duc-post1237173.html