Phát hiện 12 dị vật trong mũi bé trai 3 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện và lấy ra 12 hạt xốp từ hốc mũi của một bé trai 3 tuổi. Sự việc này cảnh báo các bậc phụ huynh về mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với trẻ nhỏ khi không được giám sát chặt chẽ.

Bác sĩ thực hiện ca nội soi gấp dị vật trong mũi cho bé trai. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thực hiện ca nội soi gấp dị vật trong mũi cho bé trai. Ảnh: BVCC

Mời đây, bệnh nhi Đ.Q.Đ (3 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ) được đưa đến Khoa Mắt - Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt trong tình trạng chảy nước mũi kéo dài và viêm mũi xoang cấp mủ. Qua quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện nhiều dị vật tròn màu trắng gây tắc nghẽn cả hai hốc mũi của trẻ. Ban đầu, bác sĩ ước tính có khoảng 7 dị vật (4 ở mũi phải và 3 ở mũi trái), nhưng do trẻ không hợp tác nên các bác sĩ đã quyết định tiến hành gây mê để can thiệp.

Kết quả sau thủ thuật khiến cả ê kíp y tế lẫn gia đình bất ngờ khi tổng cộng 12 hạt xốp đã được lấy ra, nhiều hơn đáng kể so với dự đoán ban đầu. Một số dị vật nằm sâu trong khe mũi và bị che lấp bởi các mô viêm, gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán hình ảnh. Điều đáng chú ý là bố mẹ trẻ hoàn toàn không biết về nguồn gốc cũng như thời điểm trẻ đưa những hạt xốp này vào mũi.

ThS.BS Đỗ Duy Thanh - Bác sĩ Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt cho biết: "Đây không phải trường hợp hiếm gặp, dị vật trong mũi là tình trạng phổ biến ở trẻ từ 2-4 tuổi, nhất là nhóm trẻ đi nhà trẻ. Do hiếu động, tò mò và chưa ý thức được hành vi nguy hiểm, trẻ có thể vô tình đưa các vật nhỏ như hạt xốp, nút áo, viên bi vào mũi mà không nói với người lớn".

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, mỗi năm có hàng trăm trường hợp dị vật tai - mũi - họng ở trẻ em được tiếp nhận. Phần lớn các trường hợp chỉ được phát hiện khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bất thường hoặc trong đợt khám bệnh do viêm nhiễm kéo dài. Việc phát hiện dị vật trở nên khó khăn hơn vì trẻ nhỏ thường không thông báo với bố mẹ, có thể do sợ bị mắng hoặc đơn giản là chưa nhận thức được hành vi của mình. Nhiều trường hợp dị vật lưu lại lâu ngày đã gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm nhiễm, chảy mủ, thậm chí ảnh hưởng đến các xoang và đường hô hấp.

Bác sĩ Đỗ Duy Thanh cũng chia sẻ một số dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết sớm: "Khi trẻ có biểu hiện chảy nước mũi một bên không dứt, nước mũi có màu xám và mùi hôi, đôi khi có lẫn máu, bố mẹ nên nghĩ đến khả năng trẻ có dị vật trong mũi. Nếu nghi ngờ có dị vật, bố mẹ tuyệt đối không nên cố gắng lấy ra bằng tay hay vật nhọn. Việc làm này có thể khiến dị vật trôi sâu hơn, gây tổn thương niêm mạc hoặc nhiễm trùng nặng hơn. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh, kiểm tra xem trẻ có khó thở không và đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt."

Để phòng tránh những trường hợp tương tự, phụ huynh cần luôn giám sát trẻ khi chơi, đặc biệt với các đồ vật nhỏ có thể dễ dàng đưa vào miệng, mũi hoặc tai. Việc cất giữ cẩn thận những vật nhỏ như hạt xốp, nút áo, pin cúc, hạt đậu ngoài tầm với của trẻ là điều cần thiết. Bên cạnh đó, giáo dục trẻ về nguy hiểm của việc đưa vật lạ vào cơ thể bằng những cách phù hợp với độ tuổi sẽ giúp trẻ hình thành ý thức tự bảo vệ. Ngoài ra, việc khám tai - mũi - họng định kỳ cũng rất quan trọng để phát hiện sớm các bất thường, đặc biệt khi trẻ có những dấu hiệu kéo dài không rõ nguyên nhân.

Sự tò mò là đặc điểm tự nhiên và tích cực của trẻ nhỏ trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quan sát và hướng dẫn kịp thời từ người lớn, những tình huống như dị vật đường thở có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp của bé trai này là lời nhắc nhở thiết thực cho tất cả các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc nâng cao cảnh giác và chú ý đến những biểu hiện bất thường dù nhỏ ở trẻ.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-hien-12-di-vat-trong-mui-be-trai-3-tuoi-414801.html