Phát hiện 18 hộ kinh doanh không đăng ký tại chợ cá lớn nhất Thủ đô

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai). Đây là chợ tạm có tính chất chợ đầu mối và là nơi kinh doanh các loại thủy sản nước ngọt lớn nhất Thủ đô.

Chợ cá Yên Sở có diện tích khoảng 7.000m2, hoạt động từ 12h trưa hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Hàng ngày có khoảng 40 xe ô tô đến giao và đóng hàng tại chợ. Số lượng cá trung chuyển hàng ngày khoảng 70 - 80 tấn.

Hiện nay tại chợ cá Yên Sở có 76 hộ kinh doanh cố định, các hộ kinh doanh tại chợ hầu hết là các hộ kinh doanh cá thể. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận có 58 hộ có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND quận Hoàng Mai cấp; còn 18 hộ chưa có giấy đăng ký kinh doanh.

 Hàng chục hộ kinh doanh tại chợ cá Yên Sở không có giấy phép

Hàng chục hộ kinh doanh tại chợ cá Yên Sở không có giấy phép

Kết quả kiểm tra thực tế của đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, công tác vệ sinh tại chợ đã được tổ quản lý chợ quan tâm và đôn đốc thường xuyên. Tuy nhiên, mặt bằng kinh doanh không liên hoàn, chưa có chiều sâu, còn sập sệ, mặt bằng còn chật hẹp.

Mặt khác, do là chợ tạm lều, lán, mái che không được đầu tư cải tạo nên gặp khó khăn lúc mưa bão; công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được đầu tư. Một số hạng mục đã xuống cấp, đặc biệt là hệ thống thoát nước nên công tác vệ sinh tại các ki ốt còn chưa tốt. Ngoài ra, do đặc thù chợ Cá Yên Sở chủ yếu hoạt động về đêm nên việc tuyên truyền cho các hộ kinh doanh thực hiện tốt các công tác về đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, kết quả giám sát cho thấy, hoạt động kinh doanh tại chợ cá Yên Sở vẫn còn nhiều nỗi lo, đặc biệt là về hạ tầng và nhận thức của một bộ phận tiểu thương. Chính vì vậy, thời gian tới, tổ quản lý chợ cá Yên Sở và UBND quận Hoàng Mai cần tiếp tục tổ chức cho các hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, định kỳ đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, các hạng mục phục vụ hoạt động kinh doanh tại các khu vực chợ đã xuống cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý nguồn gốc sản phẩm, tuyên truyền phổ biến các kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống dịch bệnh, ghi chép xuất nhập hàng hóa...).

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-hien-18-ho-kinh-doanh-khong-dang-ky-tai-cho-ca-lon-nhat-thu-do-365338.html