Phát hiện 19 thiên hà xoắn ốc gần Dải Ngân hà

Một loạt hình ảnh từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) cho thấy chi tiết đáng chú ý về 19 thiên hà xoắn ốc cư trú tương đối gần Dải Ngân hà, cung cấp manh mối mới về sự hình thành sao cũng như cấu trúc và sự tiến hóa của thiên hà.

Thiên hà xoắn ốc NGC 1512, nằm cách Trái đất 30 triệu năm ánh sáng (hình ảnh được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb). Nguồn: Reuters.

Thiên hà xoắn ốc NGC 1512, nằm cách Trái đất 30 triệu năm ánh sáng (hình ảnh được chụp bởi Kính viễn vọng Không gian James Webb). Nguồn: Reuters.

Những hình ảnh này được công bố vào ngày 30/1 (giờ Việt Nam) bởi một nhóm các nhà khoa học tham gia vào dự án có tên PHANGS, hoạt động trên một số đài quan sát thiên văn lớn.

Thiên hà gần nhất trong số 19 thiên hà mới chụp được gọi là NGC5068, cách Trái đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng và thiên hà xa nhất trong số đó là NGC1365, cách Trái đất khoảng 60 triệu năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong một năm (9,5 nghìn tỷ km).

Các thiên hà xoắn ốc là một loại thiên hà phổ biến. Dải Ngân hà là một trong số đó. Những quan sát mới đến từ Camera cận hồng ngoại (NIRCam) và thiết bị hồng ngoại trung (MIRI) của JWST cho thấy khoảng 100.000 cụm sao và hàng triệu hoặc có lẽ hàng tỷ ngôi sao riêng lẻ.

Nhà thiên văn học Thomas Williams của Đại học Oxford - người đứng đầu nhóm xử lý dữ liệu trên hình ảnh cho biết: “Những dữ liệu này rất quan trọng, chúng cho thấy cái nhìn mới về giai đoạn sớm nhất của quá trình hình thành sao”.

"Các ngôi sao được sinh ra sâu bên trong những đám mây bụi ngăn chặn hoàn toàn ánh sáng ở các bước sóng khả kiến, nhưng những đám mây này sáng lên ở bước sóng JWST. Chúng ta không biết nhiều về giai đoạn này, thậm chí không thực sự biết nó tồn tại trong bao lâu và vì vậy, những dữ liệu này sẽ rất quan trọng để hiểu cách các ngôi sao bắt đầu được hình thành trong các thiên hà" - ông Williams nói thêm.

Những hình ảnh này lần đầu tiên cho phép các nhà khoa học giải thích về cấu trúc của các đám mây bụi và khí mà từ đó các ngôi sao và hành tinh hình thành ở mức độ chi tiết cao trong các thiên hà ngoài Đám mây Magellan Lớn và Đám mây Magellanic nhỏ, hai thiên hà được coi là vệ tinh của thiên hà trải dài Dải Ngân hà.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-hien-19-thien-ha-xoan-oc-gan-dai-ngan-ha-10272599.html