Phát hiện asen, chì và nhiều chất độc hại có trong băng vệ sinh phụ nữ
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, băng vệ sinh tampon có thể chứa kim loại từ các quy trình sản xuất hoặc nông nghiệp và có khả năng hấp thụ qua niêm mạc âm đạo, dẫn đến phơi nhiễm toàn thân.
Một nghiên cứu mới nhất, do các nhà khoa học tại Đại học California-Berkeley (UC Berkeley - Mỹ) thực hiện, đã phát hiện ra rằng băng vệ sinh từ nhiều thương hiệu mà hàng triệu phụ nữ đang sử dụng mỗi tháng có thể chứa các kim loại độc hại như chì, asen và cadmium.
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Environment International.
Trong các loại băng vệ sinh, các nhà nghiên cứu đặc biệt lo ngại với loại tampon - dạng nút bông được đưa vào âm đạo để thấm hút và giữ lại máu kinh - bởi niêm mạc âm đạo có khả năng hấp thụ hóa chất cao hơn da ở những vùng khác trên cơ thể.
Trong khi đó, sản phẩm này được một tỷ lệ lớn phụ nữ Mỹ (chiếm khoảng 50-80%) sử dụng hàng tháng, và họ sử dụng tampon trong cơ thể nhiều giờ liền.
"Mặc dù có khả năng gây lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, nhưng rất ít nghiên cứu được thực hiện để đo lường các hóa chất trong băng vệ sinh," tác giả chính Jenni A. Shearston, một học giả sau Tiến sỹ tại Trường Y tế Công cộng UC Berkeley và Khoa Khoa học, Chính sách và Quản lý Môi trường của UC Berkeley cho biết.
Kim loại nặng nếu đi vào cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí, vô sinh, tiểu đường và ung thư. Chúng có thể gây tổn thương gan, thận và não, cũng như hệ thống tim mạch, thần kinh và nội tiết. Ngoài ra, kim loại có thể gây hại cho sức khỏe của sản phụ và sự phát triển của thai nhi.
"Kim loại nặng có ở khắp mọi nơi và chúng ta thường tiếp xúc với chúng trong ngưỡng an toàn, tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện kim loại cũng có trong các sản phẩm dành cho kỳ kinh nguyệt và phụ nữ có nguy cơ tiếp xúc cao hơn khi sử dụng các sản phẩm này," đồng tác giả nghiên cứu Kathrin Schilling, Phó Giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá mức độ của 16 kim loại (asen, bari, canxi, cadimi, coban, crom, đồng, sắt, mangan, thủy ngân, niken, chì, selen, stronti, vanadi và kẽm) trong 30 loại băng vệ sinh từ 14 thương hiệu khác nhau được mua tại Mỹ, EU và Anh.
Nồng độ kim loại thay đổi khác nhau tùy theo khu vực mua băng vệ sinh, loại hữu cơ với vô cơ và giữa các các nhãn hiệu. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng kim loại có trong tất cả các loại băng vệ sinh với nồng độ không nhất quán. Chẳng hạn nồng độ chì cao hơn ở băng vệ sinh vô cơ nhưng nồng độ asen cao hơn ở băng vệ sinh hữu cơ.
Theo nghiên cứu trên, kim loại có thể xâm nhập vào băng vệ sinh theo nhiều cách. Chất liệu cotton của băng vệ sinh có thể hấp thụ kim loại từ nước, không khí, đất, thông qua chất gây ô nhiễm gần đó (ví dụ cánh đồng bông ở gần nhà máy luyện chì).
Một số kim loại có thể được cố ý thêm vào trong quá trình sản xuất như một phần của chất tạo màu, chất tẩy trắng, chất kháng khuẩn, chất khử mùi, hoặc một số quy trình khác tại nhà máy sản xuất sản phẩm.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, tại Mỹ, EU và nước Anh, các quy định về băng vệ sinh không quá chặt chẽ, các nhà sản xuất không bị yêu cầu phải thử nghiệm phát hiện kim loại và các hóa chất độc hại trong sản phẩm.
"Tôi thực sự hy vọng rằng các nhà sản xuất băng vệ sinh phụ nữ cần được yêu cầu kiểm tra kim loại trong sản phẩm của họ, đặc biệt là kim loại độc hại," Shearston nói.
Bà cũng khuyến cáo các khách hàng nên bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách yêu cầu nhà sản xuất phải liệt kê các thành phần cụ thể có trong băng vệ sinh và các sản phẩm dành cho phụ nữ khác.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu các kim loại được phát hiện trong nghiên cứu này có gây ra những tác động tiêu cực nào đến sức khỏe người dùng hay không. Trong tương lai vẫn cần có thêm các nghiên cứu khác để đánh giá xem kim loại có trong băng vệ sinh hấp thụ vào âm đạo như thế nào, cũng như đo lường sự hiện diện của các hóa chất khác trong băng vệ sinh phụ nữ./.