Phát hiện bản sao thần Vệ nữ 1.800 tuổi

Một tượng nữ thần được cho là thần Vệ nữ La Mã thu nhỏ vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện tại thành phố Gloucester (Anh).

Những tượng nữ thần tượng trưng cho khả năng sinh sản ở Gloucester, thời tiền La Mã.

Những tượng nữ thần tượng trưng cho khả năng sinh sản ở Gloucester, thời tiền La Mã.

Cổ vật 1.800 năm tuổi này đã tạo sự phấn khích trong cộng đồng khảo cổ. Đây được cho là một phát hiện thú vị vì nó cung cấp một liên kết hữu hình quan trọng giữa người dân Gloucester và quá khứ của họ.

Phát hiện bất ngờ

Bức tượng chỉ cao 17 cm được phát hiện bên dưới địa điểm xây dựng mới một trung tâm xã hội và kỹ thuật số, có tên là “The Forum”. Dự án trị giá 107 triệu bảng Anh này đang được phát triển bởi Hội đồng thành phố Gloucester và Tập đoàn Reef.

Cổ vật được cho là bản sao thu nhỏ của Venus, nữ thần La Mã tượng trưng cho tình yêu, sắc đẹp, chiến thắng và khả năng sinh sản. Còn Venus lại là bản sao của nữ thần Aphrodite, tượng trưng cho tình yêu ở Hy Lạp. Tượng vừa được khám phá có niên đại khoảng 1.800 năm tuổi, tiết lộ một phần khác về quá khứ của người La Mã ở Anh.

Julius Caesar, hoàng đế La Mã, người tuyên bố có nguồn gốc từ nữ thần Venus, đã mang quân xâm lược Anh hai lần, vào năm 54 và 55 trước Công nguyên (CN). Bắt đầu từ năm 43 CN, người La Mã đã chinh phục nhiều lãnh thổ rộng lớn của Anh, để lại những ảnh hưởng về kinh tế và văn hóa của họ ở những vùng này.

Gloucester nằm cách London 145 km về phía Tây, từ năm 48 CN được xem như một pháo đài của người La Mã, với tên gọi là Glevum. Các nhà khảo cổ thuộc Công ty Cotswold Archaeology, khi đào bới tại địa điểm này cũng phát hiện nền móng của các tòa nhà có thể thuộc vùng ngoại ô, bên ngoài các bức tường của pháo đài.

Hồi năm ngoái, họ đào bên dưới một bãi đậu xe nhiều tầng đã bị phá hủy và khám phá tàn tích của tu viện Whitefriars, thuộc dòng tu Carmelite, cơ sở tôn giáo đóng vai trò quan trọng ở thành phố giữa thế kỷ 13 và 16. Đây là một phát hiện rất có giá trị vì vị trí của tu viện này đã được tranh cãi từ lâu, nhưng tàn tích của nó chưa được tìm thấy.

Biểu tượng của sắc đẹp và sinh sản

Tượng nữ thần ở Hohle Fels, Đức có niên đại 40.000 năm.

Tượng nữ thần ở Hohle Fels, Đức có niên đại 40.000 năm.

Nữ thần Venus quen thuộc nhất với bức tượng không tay có tên là Venus de Milo, được trưng bày tại Viện bảo tàng Louvre, ở Paris (Pháp). Người La Mã xem Venus là tổ tiên và thờ phụng nữ thần với mong cầu tình yêu, sắc đẹp, quyền lực, thịnh vượng, chiến thắng. Venus còn là vị thần trung tâm của nhiều lễ hội tôn giáo và rất được tôn kính.

Tượng nữ thần phát hiện ở Gloucester được cho là có niên đại vào thế kỷ đầu tiên hoặc thứ hai thuộc Công nguyên, còn nguyên vẹn ngoại trừ phần đế bị vỡ. Nó được làm bằng pipeclay, một loại đất sét trắng, vật liệu có nhiều dọc theo sông Rhine và sông Meuse ở Đức ngày nay.

Tượng có vòng eo nhỏ, một tay đặt dọc đùi, còn tay kia trong tư thế vuốt mái tóc dài. Các nhà khảo cổ tin rằng đây là một biểu tượng tôn giáo được thờ trong nhà của một người nào đó.

Andrew Armstrong, nhà khảo cổ học thuộc Hội đồng thành phố Gloucester, nhận xét bức tượng trong tình trạng rất tốt và là một phát hiện có giá trị đối với địa phương. Tượng được tìm thấy khi công nhân đang đào một tuyến đường mới đặt cống dẫn đến sông Twyver, nơi dường như là một bãi rác của người La Mã trước đây. Những vết bẩn trên tượng đã được các chuyên gia làm sạch một cách chuyên nghiệp.

Armstrong nói thêm trên tạp chí Smithsonian, “Chúng tôi cho rằng những bức tượng như thế này được làm ở miền Trung nước Pháp và vùng Rhineland / Mosel của Đức vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai. Có vẻ như bức tượng nhỏ trên có từ thời kỳ này và tiêu biểu cho Venus. Tượng có thể đã được đặt trên bệ thờ nữ thần tại nhà của một ai đó”.

Ở Anh, trước thời kỳ La Mã cũng có những bức tượng nhỏ như vậy, gắn liền với khả năng sinh sản, tình dục, sắc đẹp và tình mẫu tử. Điều này có nghĩa là người Anh cổ đại đã ghép các nữ thần trên với Venus của La Mã, vốn có các thuộc tính tương tự, để hình thành thần Vệ nữ của họ.

Không giống như bức tượng Venus nhỏ ở Gloucester, với khuôn mặt, mái tóc thanh tú đặc biệt và bàn tay có hình dáng đẹp, hầu hết các bức tượng tiêu biểu cho sự sinh sản ở Anh trước đây đều không có khuôn mặt, còn ngực và hông rất to.

Tượng nữ thần lâu đời nhất thuộc dạng này làm từ ngà của một con voi ma mút được khám phá trong một hang động ở Hohle Fels, Đức, có niên đại khoảng 40.000 năm tuổi.

Về bản sao thu nhỏ của thần Vệ nữ, các nhà khảo cổ học có liên quan đến dự án tái phát triển ở Gloucester cho rằng cổ vật, ngoài giá trị về khảo cổ, còn nói lên nhiều điều liên quan đến lịch sử, văn hóa trong khu vực.

Trao đổi với trang Gloucester Live, Marino Cardelli, cán bộ dự án tại Công ty Cotswold Archaeology và là nhà khảo cổ chính tại địa điểm, cho biết, “Vị trí The Forum chôn vùi các kho báu có giá trị khảo cổ không thể đánh giá được, đáng kể là các cấu trúc và đồ tạo tác - chứng tích về lịch sử, văn hóa của thành phố”.

Còn giám đốc Phát triển tập đoàn Reef, Esther Croft, cho biết: “Chúng tôi bất ngờ khi tìm thấy một đồ tạo tác đáng yêu như tượng thần Vệ nữ và mong muốn tác phẩm tuyệt vời này được trưng bày để mọi người cùng thưởng lãm”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/phat-hien-ban-sao-than-ve-nu-1800-tuoi-hGuv4JO7g.html