Phát hiện bằng chứng về nghi lễ phù phép cổ xưa nhất thế giới
Những chiếc gậy có niên đại 12.000 năm của thổ dân ở Australia là bằng chứng về một nghi lễ phù phép lâu đời nhất trên thế giới.
Một nghiên cứu vừa được công bố ngày 1/7 trên tạp chí Nature Human Behavior cho thấy, tàn tích 12.000 năm tuổi của hai lò lửa nhỏ và hai thanh gậy cời lò bằng gỗ bí ẩn được phát hiện sâu trong một hang động ở miền Nam Australia có thể là bằng chứng về nghi lễ phù phép lâu đời nhất trên thế giới.
Các hiện vật này, được phân tích trong một nghiên cứu mới sử dụng cả phân tích khoa học và lịch sử truyền miệng của thổ dân, có thể đã được thổ dân thời cổ đại sử dụng trong một nghi lễ cúng bái nhằm "trù ếm" và gây hại cho đối thủ của họ.
Các hiện vật này tương tự những thứ thường được sử dụng trong một nghi lễ của tộc người Gunaikurnai (nhóm thổ dân bản địa sống ở vùng bờ biển phía Nam Australia) bao gồm việc bôi mỡ động vật lên một vật bằng gỗ rồi ném nó vào đống lửa tế lễ để nguyền rủa đối thủ.
Do sự tương đồng giữa các đồ vật được tìm thấy trong hang và nghi lễ của người Gunaikurnai, các trưởng lão của nhóm thổ dân Gunaikurnai đã nhờ các nhà khảo cổ giúp khai quật hang động, được họ gọi là Hang Cloggs và nghiên cứu các hiện vật.
Thông tin trên Live Science, tác giả của nghiên cứu, nhà khảo cổ học Bruno David thuộc Đại học Monash ở Australia, cho biết: “Hang động này không phải là nơi ở thông thường mà là nơi chỉ dành cho các mục đích nghi lễ đặc biệt. Lần đầu tiên nó được sử dụng cho mục đích này là khoảng 25.000 năm trước và tiếp tục được dùng cho đến thời điểm 1.600 năm trước”.
Bắt đầu cuộc khai quật từ năm 2020, David và nhóm của ông đã phát hiện hai nơi dùng để tiến hành nghi lễ, mỗi nơi có một lò lửa nhỏ với một thanh cời lò bằng gỗ. Việc xác định niên đại của những thanh gậy cời lò này cho thấy một chiếc có niên đại khoảng từ 11.930 đến 12.440 năm, chiếc còn lại có niên đại từ 10.870 đến 11.210 năm, khiến chúng trở thành những cổ vật bằng gỗ lâu đời nhất từng được tìm thấy ở Australia.