Phát hiện biến thể phụ COVID-19, người dân không nên hoang mang
Xuất hiện biến thể phụ COVID-19 tại TP.HCM. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo ngại mà chỉ cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây bệnh đường hô hấp.
TP.HCM vừa phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện trong tháng 12-2023 tại TP.HCM.
JN.1 là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm "biến thể đáng quan tâm" và là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc, tử vong tại một số nước, trong đó có Thái Lan.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhận định biến thể phụ JN.1 có nguy cơ lây lan nhanh hơn các biến thể cũ, nên số ca mắc có thể sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên BS Dũng cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron. Vì thế nguy cơ chuyển nặng của biến thể phụ JN.1 thấp.
“Hiện nay COVID-19 đã chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Vì thế người dân không nên quá hoang mang lo ngại, phòng chống COVID-19 nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tết Nguyên đán gần kề, nếu có kế hoạch di chuyển, đừng vì sợ COVID-19 mà để ảnh hưởng kế hoạch. Người dân chỉ cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây bệnh đường hô hấp, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh lây lan cho cộng đồng” - BS Dũng khuyến cáo.
Theo BS Dũng, đa số các nhà khoa học nhận định tất cả các biến chủng hiện nay đều gây ra các triệu chứng bệnh COVID-19 tương tự nhau và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch và trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không).
Khi mắc biến thể phụ JN.1, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, mệt, nhức đầu, đau cơ, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy. Ngoài ra người mắc bệnh có thể mất mùi, khó thở.
Nếu có các triệu chứng trên, BS Dũng khuyên người dân nên xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm giúp tránh lây lan bệnh và nhằm kịp thời điều trị để tránh chuyển nặng.