Phát hiện ca bệnh nhi bị sốt mò đầu tiên tại miền Nam

Ngày 13/11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận một bé gái nguy kịch vì bệnh sốt mò.

Bé gái N.K.C, 37 tháng tuổi, ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, nhập viện ngày 27/10/2023 vì thiếu máu nặng. Gia đình làm nông, có nhiều ruộng lúa quanh nhà, trước đây cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Khai thác bệnh sử cho thấy, bé 4 ngày đầu sốt nhẹ, chán ăn, ngày 5 và 6 sốt cao hơn, nôn ói, da xanh xao và đi tiểu sậm màu. Bé nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng (dung tích hồng cầu 16%), gan to 4cm dưới hạ sườn phải và lách to độ 4; các xét nghiệm cấp cứu cho thấy bé nhiễm khuẩn nặng CRP 188 mg/L, Ferritin 4403,85 ug/L, lactate 4,3 mmol/l; tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi phải.

Hình ảnh nốt mò đốt trên bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Hình ảnh nốt mò đốt trên bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Diễn tiến bé sốt cao kéo dài, tổn thương gan và thận nặng (men gan > 1000 UI/L), phản ứng viêm rất cao LDH: 2314.9 U/L, Ferritin: 10951 ug/L, đông máu nội mạch lan tỏa với D-Dimer > 20 ug/ml và tiểu cầu giảm 31.000/mm3; tổn thương phổi với hội chứng nguy kịch hô hấp cấp do viêm lan tỏa 2 phổi, tủy đồ có hình ảnh thực bào máu.

Bệnh nhân được giúp thở do tổn thương phổi, truyền máu, dùng kháng sinh Vancomycin và Carbapenem do tình trạng viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan nặng. Sau 2 ngày dùng kháng sinh không đáp ứng, bé vẫn sốt cao kéo dài liên tục. Qua hỏi bệnh và thăm khám kỹ ghi nhận sang thương da ở ngực phù hợp với sốt mò. Kết quả phân lập tác nhân trong máu bằng PCR cũng ghi nhận Orientia tsutsugamushi phù hợp với tình trạng của trẻ. Bé được dùng Levofloxacin.

Hình ảnh sang thương da ban đầu.

Hình ảnh sang thương da ban đầu.

Sau 3 ngày điều trị bằng Levofloxacin bé hết sốt, các chỉ số chức năng cơ quan cải thiện dần, được rút nội khí quản, và xuất viện sau 10 ngày điều trị.

Đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và là ca đầu tiên ở trẻ em được chẩn đoán ở miền Nam. Diễn tiến bệnh rất nặng, bệnh nhi nguy kịch với các biến chứng có thể tử vong là rối loạn tri giác, viêm phổi suy hô hấp, tán huyết và đông máu nội mạch lan tỏa, cũng như hội chứng thực bào máu rất hiếm gặp trong bệnh sốt mò.

Việc phát hiện tác nhân gây bệnh dựa vào xét nghiệm sang thương da bằng kỹ thuật PCR hiện đại và sử dụng kháng sinh Levofloxacin kịp thời đã giúp chẩn đoán và cứu sống cháu.

Bệnh nhi được xuất viện.

Bệnh nhi được xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn và trẻ em hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất, ủng. Y văn ghi nhận ở miền Nam Việt Nam, khoảng 50% bệnh nhân bị sốt mò do ấu trùng đốt khi làm việc ở ruộng lúa.

Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo cách phòng ngừa, xử lý khi tiếp xúc với kiến ba khoang.

P.Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-ca-benh-nhi-bi-sot-mo-dau-tien-tai-mien-nam-169231113154625147.htm