Phát hiện cây cầu đá cổ, hé mở bí ẩn về hoạt động của con người

Một cây cầu do người cổ đại xây dựng chìm dưới nước vừa được phát hiện trong một hang động ở Tây Ban Nha, cho thấy quá trình con người sinh sống, định cư ở phía tây Địa Trung Hải diễn ra sớm hơn nhiều so với nghiên cứu trước đây.

Cầu đá dài 7m chìm sâu dưới nước

Các nhà khảo cổ vừa khai quật một cây cầu đá cổ chìm dưới nước, dài 7m trong hang động Genovesa trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha.

Cây cầu được làm bằng những khối đá vôi lớn và nặng, một số khối có chiều ngang 1,3m và hiện chưa rõ cơ chế nào đã giúp con người cổ đại xây dựng được cây cầu.

Hình ảnh cây cầu đá chìm dưới nước được phát hiện bên trong hang động Genovesa (Ảnh: CNN).

Hình ảnh cây cầu đá chìm dưới nước được phát hiện bên trong hang động Genovesa (Ảnh: CNN).

Nghiên cứu này vừa được công bố trên Tạp chí Communications Earth & Environment.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những người xây dựng cây cầu muốn có một con đường khô ráo thông suốt để kết nối lối vào hang động với một không gian bên kia hồ nước ở trong hang.

Cổ vật này cung cấp bằng chứng rõ ràng về hoạt động của con người thời sơ khai ở trong khu vực này.

Mallorca, hòn đảo lớn thứ 6 ở Địa Trung Hải, là một trong những hòn đảo được con người phát hiện và tìm đến sinh sống muộn nhất.

Bằng chứng mới nhất về thời điểm con người sinh sống trên Mallorca

Lâu nay, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu về thời điểm con người tìm đến định cư trên Mallorca.

Một số nghiên cứu khẳng định có bằng chứng về sự hiện diện của con người ở Mallorca từ 9.000 năm trước, nhưng vẫn còn gây tranh cãi do một số điểm không nhất quán.

Một nghiên cứu được đồng thuận cao nhất, phân tích các phát hiện khảo cổ học như than củi, tro và xương trên đảo, cho thấy mốc thời gian định cư của con người trên đảo mới bắt đầu khoảng 4.400 năm trước.

Bên trong hang động Genovesa (Ảnh: CNN).

Bên trong hang động Genovesa (Ảnh: CNN).

Giờ đây, người ta phát hiện ra trong hang động Genovesa gần bờ biển ở trên đảo có những đường đi, cây cầu bị chìm dưới nước do mực nước biển dâng cao với các trầm tích giàu canxi rõ rệt.

Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra các lớp trầm tích canxi như vậy cùng với dải màu trên các vật thể do con người tạo ra bị chìm ở dưới nước có thể là đại diện cho những thay đổi lịch sử của mực nước biển.

Do đó, với những lớp trầm tích và các dải màu sáng trên cây cầu vừa được khai quật, các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo đã có niên đại khoảng 6.000 năm trước.

Các nhà nghiên cứu cho biết con số này sớm hơn hai nghìn năm so với nghiên cứu chắc chắn nhất trước đây về thời điểm đầu tiên con người định cư trên hòn đảo Mallorca, phía tây Địa Trung Hải.

Đồng tác giả của nghiên cứu - ông Bogdan Onac cho biết: "Sự hiện diện của cây cầu và các đồ tạo tác khác cho thấy mức độ hoạt động phức tạp của con người, cho thấy rằng những người định cư ban đầu đã nhận thấy nguồn tài nguyên nước trong hang động và họ xây dựng cơ sở hạ tầng một cách chiến lược để di chuyển trong đó".

Nghiên cứu mới nhất về thời điểm con người định cư trên đảo Mallorca cũng trùng khớp với các sự kiện môi trường cổ xưa được phát hiện trên đảo như sự tuyệt chủng của loài linh dương dê Myotragus balearicus.

Các nhà khoa học có kế hoạch khám phá thêm hệ thống hang động ở Địa Trung Hải bằng các phương pháp tương tự và hy vọng có thể đánh giá các hang động được hình thành từ hàng triệu năm trước để xác định mực nước biển thời tiền công nghiệp và kiểm tra tác động của biến đổi khí hậu hiện đại đối với mực nước biển dâng.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-hien-cay-cau-da-co-he-mo-bi-an-ve-hoat-dong-cua-con-nguoi-192240902074635382.htm