Phát hiện cây cầu gần 6000 năm tuổi trong hang động bí ẩn trên đảo Mallorca

Một cây cầu cổ chìm dưới nước vừa được phát hiện trong hang động bí ẩn trên đảo Mallorca của Tây Ban Nha. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là minh chứng cho thấy con người đã định cư trên các đảo ở phía tây Địa Trung Hải cách đây hàng nghìn năm.

Trong một phân tích về cây cầu dài 7,6 mét bên trong hang động Genovesa đã tiết lộ rằng đã có người sống ở Mallorca sớm hơn nhiều so với các dự đoán trước đây.

 Cận cảnh cây cầu bằng đá trong hang động ở Mallorca. Ảnh: R. Landreth

Cận cảnh cây cầu bằng đá trong hang động ở Mallorca. Ảnh: R. Landreth

Các nhà khoa học có thể ước tính rằng nó được xây dựng cách đây gần 6.000 năm, theo tác giả chính của nghiên cứu Bogdan Onac, giáo sư khoa Khoa học Trái đất tại Đại học Nam Florida cho biết.

Cây cầu được làm bằng những khối đá vôi lớn, nặng, có những khối rộng tới 4,2 feet (1,3 mét) và vẫn chưa rõ người cổ đại đã xây dựng cây cầu này như thế nào.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những người xây dựng cây cầu muốn có một con đường khô ráo, liên tục, kết nối lối vào hang động với buồng phía sau một hồ nước bên trong hang động.

 Các khoáng chất lắng đọng trên các nhũ đá. Ảnh: M.À. Perelló

Các khoáng chất lắng đọng trên các nhũ đá. Ảnh: M.À. Perelló

Cây cầu trong hang động phát hiện lần đầu tiên vào năm 2000. Vài năm sau đó, một nghiên cứu được viết bằng tiếng Catalan đã ước tính cây cầu này có niên đại 3.500 năm dựa trên những món đồ gốm được tìm thấy trong một buồng của hang động.

“Điều này cho thấy con người có thể đã sử dụng khu vực gần lối vào hang động để sinh sống”, Onac cho biết. “Mục đích của việc băng qua hồ để tiếp cận khu vực đó vẫn chưa rõ ràng; nó có thể được sử dụng làm nơi trú ẩn, nơi tổ chức nghi lễ hoặc nơi lưu trữ, bảo quản thực phẩm vào những ngày nóng nực ở đảo Mallorca”.

Có những ngôi nhà và công trình được làm từ những khối đá lớn ở Mallorca từ 2.000 đến 4.500 năm trước. Vì vậy, rất có thể cây cầu trong hang động là tiền thân của những công trình bằng đá lớn hơn, tinh vi hơn được tìm thấy trên đảo, theo Onac cho biết.

Các nhà cổ sinh vật học vẫn đang cố gắng xác định lý do tại sao đảo Mallorca là địa điểm được người cổ đại định cư muộn hơn các đảo phía đông Địa Trung Hải. Mặc dù hòn đảo này rất rộng lớn và khá gần với vùng đất liền ở Tây Ban Nha.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-hien-cay-cau-gan-6000-nam-tuoi-trong-hang-dong-bi-an-tren-dao-mallorca-post310189.html