Phát hiện chấn động: dấu chân 1,5 triệu năm hé lộ bí mật về tổ tiên loài người

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện dấu chân hóa thạch của tổ tiên loài người cách đây 1,5 triệu năm tại địa điểm Koobi Fora, Kenya.

Koobi Fora nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu viết của tổ tiên loài người. (Ảnh: GWU)

Koobi Fora nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện ra dấu viết của tổ tiên loài người. (Ảnh: GWU)

Hé lộ dấu chân của tổ tiên loài người tại Koobi Fora

Dấu chân tại Koobi Fora là bằng chứng độc đáo cho thấy hai loài hai chân khác biệt đã cùng tồn tại và để lại dấu vết chỉ cách nhau vài giờ trên lớp bùn cổ đại.

Những dấu vết bao gồm một đường mòn dài khoảng 8 mét với các dấu chân của một cá thể Homo erectus, có vòm chân cao và dáng đi giống như con người hiện đại. Các dấu chân khác, với ngón cái hơi xòe ra, thuộc về loài Paranthropus boisei – loài vượn người phương nam nổi bật với thân hình to lớn và hàm răng lớn.

Dấu chân này được bảo quản trong lớp bùn ướt, bên cạnh dấu vết của một loài cò khổng lồ đã tuyệt chủng, Leptoptilos falconeri, tạo nên bức tranh sinh động về hệ sinh thái cách đây hàng triệu năm.

Nhà cổ nhân chủng học Kevin Hatala và nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để phân tích hình dạng bàn chân và dáng đi của các cá thể tạo ra dấu chân. Họ kết luận Homo erectus – tổ tiên trực tiếp của con người – có dáng đi hiện đại hơn nhiều so với Paranthropus boisei, loài có cấu trúc chân thích nghi với môi trường sống khác.

Theo Jeremy DeSilva, nhà cổ nhân chủng học tại Đại học Dartmouth: "Phát hiện này khẳng định rằng hai loài người vượn khác nhau không chỉ sống cùng thời mà còn chia sẻ một không gian sống chung, với dáng đi và cách di chuyển hoàn toàn khác biệt".

Hình ảnh về vết chân của một cá thể Homo erectus, có vòm chân cao và dáng đi giống như con người hiện đại. (Ảnh: CH)

Hình ảnh về vết chân của một cá thể Homo erectus, có vòm chân cao và dáng đi giống như con người hiện đại. (Ảnh: CH)

Hành trình truy tìm tổ tiên lâu đời nhất của loài người

Ngoài dấu chân tại Koobi Fora, các nhà khoa học từng phát hiện hóa thạch động vật miệng thứ sinh – tổ tiên lâu đời nhất của loài người – trong lớp đá vôi 540 triệu năm tại Trung Quốc. Sinh vật này, dài chỉ khoảng 1,3 mm, được xem là tổ tiên của hàng loạt dạng sống đa dạng, từ con người đến sao biển và nhím biển ngày nay.

Theo Simon Conway Morris, nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge: "Tổ tiên chung của động vật, từ đơn giản đến phức tạp, đã trải qua hành trình tiến hóa dài để tạo ra các dạng sống phong phú như ngày nay".

Những phát hiện tại Koobi Fora và Trung Quốc đang dần làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của loài người. Qua từng dấu chân và hóa thạch nhỏ bé, chúng ta có thêm góc nhìn về hành trình phức tạp kéo dài hàng trăm triệu năm để hình thành nên nhân loại ngày nay.

Hoàng Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phat-hien-chan-dong-dau-chan-15-trieu-nam-he-lo-bi-mat-ve-to-tien-loai-nguoi-402975.html