Phát hiện chiếc nhẫn trong vùng kín của bé gái 4 tuổi
Tại bệnh viện, bệnh nhi được chỉ định chụp Xquang cho thấy hình ảnh một dị vật kim loại hình nhẫn trong âm đạo, độ sâu 4,8 cm.
Bé gái tự nhét chiếc nhẫn vào âm đạo
Ngày 7/3, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, mới đây, đơn vị đã gắp thành công một chiếc nhẫn trong vùng kín của bé gái 4 tuổi và bảo toàn, không gây tổn thương cho trẻ.
Chị M.L.H - mẹ bệnh nhi cho biết, con gái thường hay đeo nhẫn mẹ mua ở ngón tay. Tuy nhiên, mấy ngày nay không thấy con đeo nhẫn nên chị H hỏi đã để quên hay rơi nhẫn ở đâu thì nhận được câu trả lời con đã nhét chiếc nhẫn vào vùng kín của mình. Khi tắm, vệ sinh cho bé, chị H thấy vùng kín có mùi hôi nên cho con đi viện kiểm tra.
Tại đây, qua thăm khám, ThS.BS Nguyễn Văn Hưng, Trưởng khoa Sản 2, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết: Bệnh nhi vào viện trong tình trạng khỏe mạnh, không sốt, không chảy máu âm đạo, âm đạo có tiết ít dịch.
Trên hình ảnh siêu âm thấy có hình ảnh khối tăng tâm trong âm đạo. Bệnh nhi được chỉ định chụp Xquang cho thấy hình ảnh một dị vật kim loại hình nhẫn trong âm đạo, độ sâu 4,8 cm.
Bệnh nhi được xác định có dị vật trong âm đạo là nhẫn kim loại có mặt đá, rất dễ có nguy cơ gây rách âm đạo hoặc tổn thương màng trinh của trẻ. Ngay sau đó bé được gây mê để gắp dị vật ra ngoài.
Ê kíp bác sĩ đã cố gắng hạn chế tối đa những tổn thương thêm cho trẻ, vệ sinh để tránh viêm nhiễm. Chiếc nhẫn lấy ra có chu vi khoảng 2.5cm, có mặt đá, chưa có dấu hiệu hoen gỉ.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ trước đây cũng đã từng tiếp nhận một số trường hợp bị dị vật bộ phận sinh dục của trẻ như: hạt lúa rơi vào âm đạo trẻ khi ngồi chơi trên lúa phơi của gia đình; trẻ tự nhét hạt lạc hoặc trẻ đi tắm suối có vắt hoặc đỉa chui vào cắn gây chảy máu khó cầm….
Cảnh báo việc trẻ tự nhét dị vật vào vùng kín
ThS.BS Nguyễn Văn Hưng khuyến cáo cha mẹ nên thường xuyên để ý đến trẻ nhỏ, hạn chế cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nhét vào các vị trí nhạy cảm trên cơ thể như miệng, mũi, tai hay hậu môn, âm đạo…. Đặc biệt với các vị trí vùng kín của cơ thể, cha mẹ ít chú ý hơn nên khó để có thể nhận biết sớm.
Bên cạnh đó trẻ nhỏ chưa thể đảm bảo việc tự vệ sinh cá nhân nên nếu có dị vật nằm trong âm đạo rất dễ gây viêm nhiễm cho trẻ, để lâu ngày có thể gây dính 2 mép môi bé…. Khi phát hiện có các dị vật tại vùng kín, gia đình không nên cố lấy dị vật, tránh gây tổn thương sâu và nặng hơn cho trẻ.
Gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên môn sâu, cần có các dụng cụ phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ và hạn chế tối đa tổn thương cho trẻ, giảm sang chấn tâm lý cho trẻ và gia đình sau này.
Đặc biệt, một số giai đoạn phát triển, trẻ muốn khám phá tìm hiểu mọi thứ xung quanh để học hỏi nhiều điều và thỏa mãn tính tò mò. Trong đó, trẻ cũng sẽ tò mò chính cơ thể của mình và tìm cách khám phá.
Do vậy, một số trẻ thường hay nghịch vùng kín của mình, đây là điều tự nhiên và vô hại, nhưng cha mẹ cần đưa ra giới hạn về hành vi cho trẻ.
Cùng với đó, thường xuyên trò chuyện, tâm sự và giải thích cho trẻ, để trẻ hiểu về cơ thể và các nguyên tắc cơ bản khi tiếp xúc tại vùng kín và với người lạ, tránh những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra.