Phát hiện chủng nCoV 'mới và khác biệt' trên hươu

Trong bài báo mới được công bố, nhóm chuyên gia tại Canada khẳng định đây có thể là trường hợp đầu tiên lây nhiễm nCoV từ hươu, với chủng virus 'mới và rất khác biệt'.

Từ lâu, các chuyên gia đã lo lắng nCoV có thể lây nhiễm, tạo ra các đột biến trong một số động vật - vật chủ. Trước đó, các nhà nghiên cứu mới chỉ tìm thấy bằng chứng về việc con người truyền virus cho hươu, nai và hươu truyền sang cho con hươu khác. Đây là lần đầu tiên họ phát hiện bằng chứng thực tế của chiều hướng ngược lại, virus từ hươu có thể nhảy sang người.

Theo Guardian, bài báo được đăng tải trên biorxiv ngày 25/2. Nhóm chuyên gia Canada cho biết ít nhất một người nhiễm nCoV có thể bắt nguồn từ dòng virus từng được tìm thấy ở hươu đuôi trắng. Họ nhấn mạnh những phát hiện này là bằng chứng đầu tiên về dòng SARS-CoV-2 "rất khác biệt" ở hươu đuôi trắng và sự lây truyền từ hươu sang người.

Trước đó, các nhà sinh vật học phát hiện quần thể hươu đuôi trắng đầu tiên mắc Covid-19 ở vùng đông bắc của Mỹ và miền Trung Canada. Hươu đuôi trắng thường không được coi là loài dễ dàng truyền virus sang người. Song, các chuyên gia vẫn suy đoán khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.

Các nhà khoa học ở Canada đã lấy mẫu từ hàng trăm con hươu đuôi trắng bị săn bắt vào màu thu 2021 tại Tây Nam Ontario. Sau khi tiến hành ngoáy mũi và kiểm tra các hạch bạch huyết của hươu, họ phát hiện 17/298 mẫu dương tính với một chủng nCoV “mới và rất khác biệt”.

 Nhóm chuyên gia tại Canada khẳng định họ phát hiện bằng chứng về người đầu tiên trên thế giới nhiễm nCoV từ hươu đuôi trắng. Ảnh: Canadian Press/REX/Shutterstock.

Nhóm chuyên gia tại Canada khẳng định họ phát hiện bằng chứng về người đầu tiên trên thế giới nhiễm nCoV từ hươu đuôi trắng. Ảnh: Canadian Press/REX/Shutterstock.

Theo ông Finlay Maguire, Đại học Dalhousie, Canada, thành viên nhóm tác giả, virus này có chút tương đồng với các chủng đang lưu hành trong quần thể người. Song, họ hàng gần nhất về di truyền với chủng này là mẫu lấy ở người và chồn tại Michigan, Mỹ, vào hai năm trước.

Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh cấu trúc gene của virus corona được tìm thấy ở hươu với nCoV trên mẫu bệnh phẩm ở người trong khu vực.

Họ phát hiện một người dân mang chủng virus tương đối trùng khớp và đã từng tiếp xúc hươu đuôi trắng. Các tác giả cho biết dữ liệu mẫu hạn chế khiến việc hiểu đầy đủ về mối quan hệ di truyền giữa các chủng rất khó khăn. Tuy nhiên, thời gian và vị trí lây nhiễm cho thấy hươu có thể là nguồn lây của người bệnh này.

Họ không rõ ban đầu con hươu lây nhiễm nCoV như thế nào. Khi nghiên cứu sâu hơn về biến chủng xuất hiện trong quần thể, cấu trúc protein Spike S đã có nhiều đột biến thích nghi hơn với vật chủ mới là con người.

Nhà vi sinh vật Samira Mubareka, Trung tâm Khoa học Sức khỏe Sunnybrook, Canada, trả lời phỏng vấn của CBC News: “Chủng virus mới phát hiện thậm chí không liên quan Delta hay Omicron. Họ hàng gần nhất của nó lại là virus từng xuất hiện năm 2020. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy bằng chứng về dấu vết lây truyền tiếp theo. Nếu tiếp tục giám sát, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn về rủi ro chủng virus này có thể mang lại”.

Trước đó, các trường hợp lây truyền từ động vật sang người duy nhất được biết đến là ở chồn nuôi. Ngoài ra, một số nghiên cứu sơ bộ ở Hong Kong (Trung Quốc) cho thấy virus có thể lây từ chuột đồng sang người.

Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, dựa trên thông tin có sẵn cho đến nay, không dấu hiệu nào cho thấy xuất hiện thêm trường hợp người nhiễm chủng virus độc nhất này. Đây là người duy nhất được xác định. Cho đến khi chúng ta hiểu rõ hơn, những người săn bắt hoặc xử lý động vật hoang dã cần có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn khả năng lây lan của virus.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-chung-ncov-moi-va-khac-biet-tren-huou-post1299547.html