Phát hiện công xưởng chế tác rìu đá thời tiền sử tại Hbông

Mới đây, tôi cùng Thạc sĩ Lê Hoàng Phong-Cán bộ Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) trở lại Plei Ring (xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)-nơi khảo sát lập hồ sơ di tích 'Địa điểm Chiến thắng Plei Ring năm 1954'.

Quá trình mở rộng phạm vi khảo sát, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị, mà theo nhận định bước đầu thì nơi đây có hệ thống công xưởng chế tác rìu đá thời tiền sử.

Trước đó, năm 2019, trong quá trình khảo sát lập hồ sơ di tích “Địa điểm Chiến thắng Plei Ring năm 1954”, chúng tôi tình cờ phát hiện một số di vật đá có dấu vết ghè đẽo và nhiều mảnh tước xuất lộ trên bề mặt đất canh tác của người dân, nghi là công cụ của người tiền sử.

Đến đầu năm 2020, nhân chuyến tham quan thác Phú Cường, tôi dẫn Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử-nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam trở lại Plei Ring khảo sát lần thứ hai và phát hiện thêm nhiều di vật đá phân bố trên phạm vi rộng. Từ đó, chúng tôi đưa ra nhận định tại đây có vết tích cư trú và chế tác công cụ của người tiền sử.

Bề mặt di tích. Ảnh: H.B.T

Bề mặt di tích. Ảnh: H.B.T

Trong lần trở lại Plei Ring này, chúng tôi phát hiện thêm nhiều điều thú vị. Phạm vi phân bố di vật trải dài trên đất rẫy trồng hoa màu cách trụ sở UBND xã Hbông khoảng 5 km, cách quốc lộ 25 khoảng 3 km.

Khu vực phân bố của di vật rộng khoảng 150 m và trải dài gần 1 km từ bia “Chiến thắng Plei Ring năm 1954” hướng ra quốc lộ 25. Đây là vùng có địa hình gò đồi lượn sóng kết hợp với những khu vực bề mặt khá bằng phẳng của đỉnh đồi và sườn dốc nghiêng thoải nhẹ, đất có kết cấu đất phù sa cổ màu xám nâu lẫn sỏi sạn đầu ruồi.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi tìm thấy khối lượng di vật phong phú gồm các loại hạch đá opal có kích thước khác nhau; nhiều mảnh tước, phác vật rìu bị hỏng. Phác vật rìu tìm thấy có số lượng lớn, hầu hết đang ở công đoạn ghè tách từ khối đá nguyên liệu sau đó được ghè tu chỉnh ở 2 mặt để tạo thành những phác vật hoàn thiện. Ở Plei Ring hiện chưa tìm thấy rìu có vai hoàn thiện. Các di vật này tập trung thành các cụm lớn.

Trong quá trình canh tác, người dân san ủi mặt bằng làm cho hiện vật di chuyển khỏi các gò cao, nay chỉ còn 4 cụm lớn. Mỗi cụm rộng 3-4 ngàn m2, tương ứng với 1 nhóm hay 1 “làng nghề” chế tác ở một công đoạn nào đó trong hệ thống công xưởng.

Đặc biệt, trong quá trình khảo sát, chúng tôi tìm thấy 1 chiếc rìu mài hoàn thiện dạng hình răng trâu mà người dân nhặt được trong khu vực di tích. Rìu được làm bằng đá, có màu vàng nhạt dài 10 cm, rộng 4 cm. Một số người dân trong khu vực này còn cho biết thi thoảng họ vẫn nhặt được vài chiếc “búa trời” trong quá trình cày đất, đào hố trồng cà phê hay lúc thu hoạch mì.

Với kinh nghiệm của người làm khảo cổ, Thạc sĩ Lê Hoàng Phong nhận định đây không chỉ là một điểm chế tác công cụ mà có cả một hệ thống công xưởng với các công đoạn từ việc ghè tách đá nguyên liệu cho tới ghè tu chỉnh để tạo công cụ.

Anh đánh giá: “Di tích khảo cổ Plei Ring có thể là công xưởng chế tác phác vật rìu bằng đá opal. Đá nguyên liệu được người xưa lấy tại chỗ, bởi vùng này tập trung rất nhiều mỏ đá. Phác vật hầu hết đang ở công đoạn ghè tách từ khối đá nguyên liệu sau đó được ghè tu chỉnh ở 2 mặt để tạo thành những phác vật hoàn thiện. Đây là địa điểm rất có tiềm năng trong nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ đồ đá và có thể khai quật trong thời gian tới”.

So sánh về đặc điểm di tích, loại hình, chất liệu và kỹ thuật chế tác công cụ, ở Plei Ring có điểm tương đồng với một số di tích đã được phát hiện và khai quật tại Gia Lai. Đó là sự hiện diện của các phác vật rìu có vai bằng đá opal được ghè 2 mặt với trình độ kỹ thuật cao của giai đoạn hậu kỳ Đá mới, có niên đại cách ngày nay 3.000-4.000 năm thuộc nền văn hóa tiền sử Biển Hồ.

Phác vật rìu thu được tại Plei Ring, xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: H.B.T

Phác vật rìu thu được tại Plei Ring, xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: H.B.T

Khái niệm công xưởng hay di chỉ cư trú-xưởng thời tiền sử là nơi chế tác một loại hình sản phẩm nào đó (công cụ đá, gốm, trang sức…) phục vụ nhu cầu cuộc sống và trao đổi giữa các cộng đồng cư dân. Đến nay, ở Tây Nguyên đã phát hiện và nghiên cứu hơn 200 di chỉ khảo cổ tiền sử, trong đó có gần 60 di tích công xưởng.

Hệ thống các di tích công xưởng ở Tây Nguyên thường tập trung thành các cụm hay các trung tâm. Ở mỗi trung tâm có nguồn nguyên liệu chế tác khác nhau, làm ra những sản phẩm không hoàn toàn giống nhau. Mỗi di tích công xưởng có thể là một đơn vị cư trú (làng). Điều này có nghĩa, vào giai đoạn Đá mới muộn trong xã hội ở Tây Nguyên đã xuất hiện một nhóm người làm nghề thủ công có tính xã hội hóa, xuất hiện những mối quan hệ trao đổi giữa các bộ tộc.

Trong nội bộ cộng đồng, sự phân công lao động theo giới có lẽ đã diễn ra. Việc chế tác đá đòi hỏi sức mạnh và kỹ năng nhất định nên phù hợp với nam giới. Các hoạt động nông nghiệp và khai thác thức ăn; các khâu tu chỉnh hiện vật đá, mài hay nghề thủ công chế tác gốm là công việc nhẹ nhàng hơn sẽ phù hợp với sức lao động của người già, phụ nữ hay trẻ em.

Gia Lai là địa phương có tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu khảo cổ học tiền sử. Những năm qua, hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê được khai quật và nghiên cứu đã chứng minh đây là một trong những cái nôi của lịch sử nhân loại. Với di tích công xưởng Plei Ring thì mới chỉ là những phát hiện và nhận định bước đầu.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, năm 2025, Bảo tàng tỉnh dự kiến sẽ khai quật địa điểm trên nhằm làm rõ tính chất, niên đại, giá trị di tích… từ đó đề ra phương án bảo tồn hiệu quả. Việc có thêm di tích khảo cổ bên cạnh di tích lịch sử “Địa điểm Chiến thắng Plei Ring năm 1954” (đã được xếp hạng cấp tỉnh), kết hợp với cảnh quan hồ Ayun Hạ sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy giá trị di tích và đẩy mạnh phát triển du lịch như: du lịch sinh thái khám phá, du lịch nghỉ dưỡng...

HUỲNH BÁ TÍNH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phat-hien-cong-xuong-che-tac-riu-da-thoi-tien-su-tai-hbong-post286204.html