Phát hiện động đất bằng mạng cáp quang internet

Thời đại hiện nay được coi như kỷ nguyên của công nghệ kỹ thuật số. Trong đó, mạng lưới internet, một mạng lưới cáp cung cấp tín hiệu dài nhất thế giới khoảng 885.000km vẫn đang nằm dưới đáy biển, lòng đất. Tuy nhiên, nó không chỉ để cung cấp tín hiệu mạng thông tin mà còn là một tiềm năng hạ tầng cơ sở khổng lồ để có thể phát hiện sớm những cơn địa chấn nhằm ngăn chặn những trận động đất.

Các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị đo địa chấn ở Iceland thông qua mạng lưới cáp quang internet

Các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị đo địa chấn ở Iceland thông qua mạng lưới cáp quang internet

Độ chính xác cao chưa từng thấy

Trước đây, các nhà địa chất theo dõi những diễn biến bất thường hay đo cường độ của những cơn địa chấn bằng các loại máy đo địa chấn, và đó là những thiết bị được định chuẩn rất cẩn thận và có giá trị kinh tế không hề nhỏ. Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học, địa chất học ở Iceland đã sử dụng thành công loại dây cáp quang, loại dây được dùng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới để cung cấp dịch vụ internet và truyền hình, để đánh giá và dự báo các hoạt động địa chấn.

Theo đó, Tiến sĩ Philippe Jousset thuộc Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức (GFZ) đã cùng các cộng sự thử nghiệm một phương pháp bằng cách sử dụng 15km sợi cáp quang từng được lắp đặt giữa 2 nhà máy điện địa nhiệt ở Iceland vào năm 1994, tiến hành đo đạc số liệu địa chấn. Các nhà khoa học đã cho một luồng xung laser truyền xuống sợi dây cáp quang để xác định xem có sự nhiễu loạn nào dọc theo chiều dài của sợi dây này không.

“Lúc đầu chúng tôi thực sự không biết có thể ghi lại được gì hay không. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã phát hiện được động đất từ rất xa”, Tiến sĩ Joussset cho biết.

“Nó gần như là một chiếc máy đo địa chấn hoàn hảo, bởi số liệu chúng tôi đo được cho thấy những tín hiệu đưa về thông qua mạng cáp quang có thể chia thành từng điểm, cứ 4m truyền về một lần. Tỷ lệ này quả thật là dày đặc hơn bất cứ mạng lưới đo đạc địa chấn học nào trên thế giới”, Tiến sĩ Jousseet khẳng định. Thậm chí, các nhà khoa học còn đo được những rung lắc do hoạt động giao thông trong vùng, các chấn động địa chấn và kể cả bước chân người đi bộ khi đi ngang qua. Hơn nữa, qua thử nghiệm này các nhà khoa học còn nhận được tín hiệu từ một trận động đất mạnh ở Indonesia.

Đẩy lùi thảm họa thiên tai

Các máy đo địa chấn hiện nay được cho là quá đắt đỏ và nó được đặt rải rác trên hành tinh chúng ta. Do đó, phương pháp đo đạc mới của các nhà khoa học tại Iceland sẽ mang đến một giải pháp phát hiện những trận địa chấn không tốn nhiều tiền mà hiệu quả lại cao, bởi mật độ dày đặc của mạng cáp quang sẽ có được một hệ thống đo địa chấn chính xác gần như tuyệt đối. Đồng thời, phương pháp này sẽ cho một lời cảnh báo sớm để chúng ta có thể sẵn sàng đối phó với những thảm họa như động đất, núi lửa và sóng thần.

Tiến sĩ Elizabeth Cochran, nhà địa vật lý thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, công nghệ này có thể áp dụng cho các hệ thống cảnh báo sớm động đất khi nó được cải tiến nhiều hơn nữa. “Nếu chúng ta có thể khai thác mạng lưới cáp quang để phát hiện địa chấn dưới lòng đất và tìm ra cách phân tích dữ liệu một cách chính xác, thì có thể đặt tất cả những thiết bị này ở tất cả mọi nơi trên Trái đất, nơi có mạng lưới cáp quang. Những tiến bộ về cảm biến cho phép quan sát các hoạt động này trong thực tế và tăng khả năng phản ứng mỗi khi có những sự cố địa chấn xảy ra, giúp chúng ta nâng cao hiểu biết để ngăn ngừa, đối phó với những thảm họa thiên tai”, bà Cochran chia sẻ.

Trần Biên (Theo Nature/DW)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phat-hien-dong-dat-bang-mang-cap-quang-internet/774971.antd