Phát hiện gần 200 di vật có niên đại 8.000 - 10.000 năm ở một tỉnh tại Bắc Bộ
Các nhà khảo cổ vừa phát hiện gần 200 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá, xương và đồ gốm có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 - 10.000 năm ở tỉnh Bắc Kạn.
Thông tin từ tỉnh Bắc Kạn cho biết, đoàn Khảo cổ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa tiến hành khai quật hang Nặm Lù (xã Hoàng Trĩ) và hang Thẳm Pán và hang Thẳm Un 2, xã Quảng Khê thuộc huyện Ba Bể phát hiện gần 200 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá, xương và đồ gốm có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 - 10.000 năm.
Đây được xác định là dấu tích của người tiền sử. Di vật khảo cổ được tìm thấy xen lẫn vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật. Đồ gốm tìm thấy ở lớp trên mặt. Trong hố đào, các nhà khảo cổ còn phát hiện được dấu tích của hai bếp cổ, chưa phát hiện được dấu tích mộ táng.
Ngoài ra, đoàn Khảo cổ cũng phát hiện được mảnh đá dẹt, hình bầu dục được khoan thủng ở đầu nhỏ của mảnh đá. Lỗ khoan tròn có đường kính 0,4 cm, đây có thể là đồ trang sức được xỏ dây đeo trên cổ. Loại di vật này còn khá hiếm gặp trong các di tích tiền sử Việt Nam.
Bên cạnh đó, đoàn Khảo cổ còn phát hiện được nhiều hòn ghè, đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh đá dẹt hình bầu dục,… loại hình công cụ thu được trong hố đào mang đặc trưng công cụ văn hóa sơ kỳ Đá mới. Cụ thể như, công cụ hình đĩa, công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ chặt hai rìa lưỡi, nạo, dao cắt làm từ mảnh tước lớn, hòn ghè, bàn mài, chày nghiền, bàn nghiền.
Các nhà khảo cổ đã thu lượm được nhiều mảnh xương răng động vật. Qua phân tích, di tích xương động vật, bước đầu đoàn xác định có các lợn rừng, khỉ, nhím, gà rừng, dúi, nai… di tích nhuyễn thể chủ yếu là vỏ ốc suối, ốc núi, trai, hến cùng một vài di tích thực vật như hạt trám, hạt me,...
Việc tìm thấy nhiều xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể cùng những dấu tích thực vật còn lại cho thấy, săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây. Sự có mặt của bàn nghiền, chày nghiền là bằng chứng việc chế biến thức ăn thường được tiến hành gần cạnh bếp lửa.
Đồ gốm được tìm thấy trên mặt hang là những mảnh vỡ từ nhiều loại hình khác nhau, chất liệu xương gốm pha ít bã thực vật, độ nung khá cao, xương gốm mỏng, cứng, được chế tác bằng bàn xoay với hoa văn trang trí là văn thừng mịn, văn khắc vạch với những đường thẳng, ngắn song song và hoa văn in hình vòng tròn nhỏ liền kề nhau.
Một số mảnh gốm có dấu vết ám khói đen ở mặt ngoài, khả năng đã được sử dụng để đun nấu. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và hoa văn trang trí, có thể xác định những mảnh gốm này mang đặc trưng của đồ gốm Kim khí có niên đại cách ngày này khoảng 2.500 - 3.000 năm.
Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật đã được tìm thấy tại các hang, dựa vào kết cấu và tuổi trầm tích địa tầng văn hóa. Bước đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng, hang Thẳm Un 2 là một di tích cư trú của nhiều thế hệ người tiền sử. Lớp cư dân sớm thuộc vào giai đoạn sơ kỳ Đá mới, có niên đại cách ngày nay từ 8.000 - 10.000 năm. Có một giai đoạn khá dài vài nghìn năm, di tích này không có người cư trú.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang có kế hoạch khảo sát di tích hang Nặm Lù và hang Thẳm Pán như đã nêu ở trên trong thời gian tới.
Xem thêm video đang được quan tâm: