Phát hiện hai loài cá mập lưỡi cưa mới

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai loài cá mập lưỡi cưa chưa từng được biết đến ở ngư trường ngoài khơi Zanzibar và Madagascar.

Ở sâu dưới đại dương, người ta đã phát hiện ra những con cá mập trông như thể mang máy cắt tỉa hàng rào trên đầu. Theo Guardian, chúng là loài cá mập lưỡi cưa.

Lý do giống loài này có tên như vậy vì đặc điểm nhận dạng của chúng là chiếc mũi dài và sắc nhọn y hệt lưỡi cưa thật. Khi săn mồi, cá mập lưỡi cưa sẽ tận dụng mũi như một thứ vũ khí để chém qua những đàn cá. Bộ râu đóng vai trò là cơ quan cảm giác giúp cá mập phát hiện con mồi.

"Chuyển động nhanh và linh hoạt của chiếc mũi giúp cá mập lưỡi cưa cắt con mồi thành từng mảnh nhỏ để có thể ăn chúng dễ dàng hơn", người phát ngôn của Đại học Newcastle chia sẻ kiến thức với báo CNET.

 Cá mập lưỡi cưa dùng chiếc mũi đặc thù làm vũ khí săn mồi hữu dụng. Ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Cá mập lưỡi cưa dùng chiếc mũi đặc thù làm vũ khí săn mồi hữu dụng. Ảnh: Bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Loài mới

“Cá mập cưa là một thứ gì đó phi thường”, Simon Weigmann từ Phòng thí nghiệm nghiên cứu Elasmobranch ở Hamburg, Đức cho biết.

Ban đầu, các nhà khoa học mới chỉ biết về 8 loài cá mập lưỡi cưa, trong đó có một loài có 6 khe mang ở một bên cơ thể.

“Đây là điều bất thường ở các loài cá mập” vì hầu hết chúng đều có 5 khe mang, Weigmann nói.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các ngư dân ở Madagascar và Tanzania, thêm hai loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang đã được phát hiện.

"Hiểu biết của chúng ta về cá mập lưỡi cưa ở Ấn Độ Dương vẫn còn hạn chế. Thật đáng kinh ngạc khi phát hiện không chỉ một mà tới hai loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang mới", Science Daily dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu Simon Weigmann.

Trên thực tế, rất lâu trước khi các nhà khoa học phương Tây đặt tên cho chúng, người dân trong những cộng đồng đánh cá ở tây nam Madagascar đã biết về loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang, dài một mét và gọi chúng là vae vae.

 Ảnh chụp X-quang cho thấy sự khác biệt giữa 3 loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang. Ảnh: Simon Weigmann.

Ảnh chụp X-quang cho thấy sự khác biệt giữa 3 loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang. Ảnh: Simon Weigmann.

Vào năm 2017, một ngư dân Malagasy đã tặng hai trong số những chiếc mõm (được gọi là rostra) có hình dạng giống lưỡi cưa cho Ruth Leeney, nhà sinh vật học đến từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên của London. Nhận thấy chúng có gì đó khác lạ, bà gửi chúng cho Weigmann.

Sau đó, ông đã quan sát các mẫu vật nằm trên kệ trong viện bảo tàng và nhận ra rằng chúng thuộc về một loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang khác.

“Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có một loài xuất hiện ngoài khơi Nam Phi, Mozambique và Madagascar. Bây giờ chúng tôi biết ở Madagascar còn có một loài khác”, Weigmann nói.

Sự khác biệt

Cái tên mà ông chọn để đặt cho loài này trong các tài liệu khoa học là Pliotrema kajae - cá mập lưỡi cưa 6 khe mang Kaja - theo tên cô con gái nhỏ của ông, người đã rất thích thú theo dõi khi ông kiểm tra các mẫu cá mập được bảo quản ở nhà.

Kaja cũng có nghĩa là chiến binh trong tiếng Frisian, một ngôn ngữ Tây Đức, mà Weigmann nghĩ là phù hợp với phần mõm giống như vũ khí của cá mập.

Một mẫu vật của loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang thứ 3 đã được đưa đến với Weigmann sau khi các đồng nghiệp đến thăm một chợ cá trên đảo Zanzibar của Tanzania. Ông đặt tên cho loài này là P annae, theo tên em họ của Kaya là Anna.

 Mẫu vật của một con cá mập lưỡi cưa 6 khe mang cái. Ảnh: Simon Weigmann.

Mẫu vật của một con cá mập lưỡi cưa 6 khe mang cái. Ảnh: Simon Weigmann.

Một điều khiến loài này khác biệt với các loài cá mập lưỡi cưa đã biết trước đây là râu của chúng nằm gần đầu mõm hơn, nhưng Weigmann vẫn chưa tìm hiểu ra được sự liên quan trong cấu tạo này.

Tương tự vậy, không có lời giải thích rõ ràng nào về việc tại sao những con cá mập lưỡi cưa này có tới 6 khe mang. Trong số hơn 1.000 loài cá mập và cá đuối, chỉ một số ít có 6 hoặc 7 khe mang.

3 loài cá mập lưỡi cưa 6 khe mang sống ở các vùng khác nhau của Ấn Độ Dương. Loài ban đầu, P warreni, sống ngoài khơi Nam Phi và miền Nam Mozambique, ở độ sâu khoảng 900 m.

P. kajae đã được tìm thấy ở độ sâu từ 200 đến 300 m dưới nước ngoài khơi Madagascar, cùng tại cao nguyên ngầm dưới biển Mascarene trải dài giữa Seychelles và Mauritius. Loài P anne cho đến nay chỉ được tìm thấy ngoài khơi Zanzibar, ở vùng nước nông hơn nhiều từ 20 đến 35 m.

“Điều quan trọng là phải đặt tên cho loài này, để thu hút sự chú ý đến nó”, Weigmann nói. “Các bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu mức độ hiếm của loài này và xem xét liệu chúng có cần được bảo vệ hay không”.

Nhà nghiên cứu Simon Weigmann cũng cho biết nếu xem xét độ sâu môi trường sống, cá mập lưỡi cưa có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động đánh bắt cá của ngư dân.

"Giả định này, kết hợp với phạm vi phân bố nhỏ và mức độ hiếm của cả hai loài, làm dấy lên lo ngại rằng chúng đang bị đánh bắt quá mức và tiếp tục suy giảm, đặc biệt là loài P annae do phân bố hạn chế ở vùng nước nông", ông nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-hien-hai-loai-ca-map-luoi-cua-moi-post1382773.html