Phát hiện hành tinh có khả năng hỗ trợ sự sống cao nhất từ trước đến nay

Theo hai nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí MNRAS, hành tinh mới có tên Gliese 12b, đang quay quanh một ngôi sao lùn đỏ với nhiệt độ tương đối 'mát'.

Hình ảnh mô phỏng về ngoại hành tinh Gliese 12b và ngôi sao của nó. (Nguồn: CNN)

Hình ảnh mô phỏng về ngoại hành tinh Gliese 12b và ngôi sao của nó. (Nguồn: CNN)

Hai nhóm các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hành tinh mà chúng ta có thể tìm tới sinh sống được, về mặt lý thuyết. Hành tinh này nhỏ hơn Trái đất nhưng lớn hơn Sao Kim và quay quanh một ngôi sao nhỏ, nằm tại vị trí cách chúng ta "chỉ" khoảng gần 40 năm ánh sáng.

Theo hai nghiên cứu mới được công bố vào ngày 23/5 trên tạp chí MNRAS (Tạp chí khoa học Vật lý Thiên văn và Thông báo hàng hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia), hành tinh kể trên có tên Gliese 12b. Hiện nó đang quay quanh một ngôi sao lùn đỏ với nhiệt độ tương đối "mát" nằm trong chòm sao Song Ngư. Ngôi sao này có kích thước bằng khoảng 27% và nhiệt độ tỏa ra bằng khoảng 60% Mặt trời của chúng ta.

Vì kích thước của ngôi sao mà Gliese 12b xoay quanh nhỏ hơn Mặt trời rất nhiều nên nó vẫn nằm trong vùng có thể sinh sống được quanh sao (Goldilock zone) cho dù một năm của nó chỉ kéo dài vỏn vẹn 12,8 ngày. Vùng có thể sinh sống quanh sao là thuật ngữ chỉ khoảng cách lý tưởng từ một hành tinh tới ngôi sao của nó, để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng.

Đặt ra giả định rằng Gliese 12b không có bầu khí quyển như ở Trái đất, các nhà khoa học đã tính toán và thấy rằng nhiệt độ bề mặt của nó vào khoảng 42 độ C.

“Chúng tôi đã tìm được một thế giới khác ở gần chúng ta nhất, với kích thước gần bằng Trái đất và, nhiệt độ ôn hòa nhất từ trước tới nay," Masayuki Kuzuhara, giáo sư tại Trung tâm Sinh học Vũ trụ ở Tokyo, cho biết trong một tuyên bố.

Thông thường, sau khi xác định được các hành tinh với điều kiện hỗ trợ sự sống và có kích thước bằng Trái đất, các nhà khoa học sẽ phân tích chúng để xác định những nguyên tố nào có trong bầu khí quyển của chúng. Điều quan trọng nhất là tìm xem có sự tồn tại của nước thể lỏng để duy trì sự sống hay không.

“Chỉ có một số ít các ngoại hành tinh mà chúng tôi cho rằng là ứng cử viên sáng giá để con người sinh sống. Hành tinh này là nơi gần nhất mà chúng tôi tìm được. Chính vì vậy, đây là một khám phá quan trọng”, Larissa Palethorpe, một nghiên cứu sinh tại Đại học Edinburgh, người đồng chủ trì một nghiên cứu thứ hai về Gliese 12b, chia sẻ với CNN.

Để tìm ra Gliese 12b, các nhà khoa học đã sử dụng những dữ liệu có sẵn được thu thập bởi Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh bay ngang qua (TESS) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). TESS là một kính viễn vọng đang quan sát hàng chục nghìn ngôi sao mỗi tháng và kiểm tra những sự thay đổi về độ sáng của chúng để phát hiện các ngoại hành tinh.

TESS giúp các nhà thiên văn học dễ phát hiện ngoại hành tinh đang quay quanh các ngôi sao lùn đỏ hơn, vì kích thước tương đối nhỏ của chúng sẽ tạo ra hiệu ứng nhòe lớn hơn trong mỗi chuyển động ra mặt trước của sao lùn đỏ. Càng di chuyển nhiều quanh quỹ đạo, chúng càng để lại dấu vết lớn hơn.

Hiện tại, các nhà khoa học không chắc chắn có những gì nằm trong bầu khí quyển của Gliese 12b và liệu nó đã từng, hay đang có nước lỏng hay không. Nhưng Palethorpe thú nhận mình không mong đợi việc tìm thấy nước lỏng trên Gliese 12b.

“Có thể hành tinh này sẽ không có nước. Khi đó, chúng ta hiểu rằng một hiện tượng giống như hiệu ứng nhà kính mở rộng đã xảy ra trên hành tinh này, khiến nó trở nên giống Sao Kim hơn. Nhưng cũng có thể nó sẽ có nước lỏng. Trong trường hợp đó, nó sẽ giống Trái đất hơn. Hoặc chúng ta sẽ phát hiện những dấu hiệu cho thấy hiệu ứng nhà kính đang diễn ra nên có thể hành tinh này đang bị mất dần nước lỏng.

Khi triển khai việc nghiên cứu bầu khí quyển của Gliese 12b, các nhà khoa học đang hy vọng có thể sử dụng kính Viễn vọng Không gian James Webb để tiến hành phân tích quang phổ. Phương pháp này yêu cầu việc thu thập ánh sáng từ những ngôi sao chiếu qua bầu khí quyển của ngoại hành tinh và xem những bước sóng nào được các phân tử nhất định hấp thụ, từ đó sẽ tiết lộ sự hiện diện của chúng trong bầu khí quyển.

Việc tìm hiểu về Gliese 12b còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hành tinh của chúng ta. “Điều mà hành tinh này sẽ chỉ dạy chúng ta là hé lộ những gì đã xảy trong quá trình hình thành Trái đất và Sao Kim, để rồi một hành tinh trở thành nơi có thể sinh sống được nhưng hành tinh còn lại thì không. Nó có thể giúp chúng ta biết con đường phát triển thích hợp cho sự sống mà các hành tinh đã trải qua trong quá trình hình thành,” cô nói.

Nhưng cho dù Gliese 12b được xác nhận là nơi con người sinh sống được và tương đối gần Thái dương hệ của chúng ta về mặt thiên văn học, khả năng di chuyển tới đây là điều không thể thực hiện.

“Việc tới thế giới của Gliese 12b là không thể thực hiện. Nó cách chúng ta tận 12 Parsec (tương đương 39,1 năm ánh sáng),” Palethorpe nói và cho biết thêm rằng sẽ mất khoảng 225.000 năm để đến được Gliese 12b bằng tàu vũ trụ nhanh nhất đang có trên Trái đất./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-hanh-tinh-co-kha-nang-ho-tro-su-song-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-post956091.vnp