Phát hiện hố đen đặc biệt khó tìm gần dải Ngân hà

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một hố đen vũ trụ đặc biệt trên một thiên hà gần dải Ngân hà.

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một hố đen vũ trụ đặc biệt trên một thiên hà gần dải Ngân hà. Ảnh minh họa: Reuters

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra một hố đen vũ trụ đặc biệt trên một thiên hà gần dải Ngân hà. Ảnh minh họa: Reuters

Ngày 18/7, các nhà nghiên cứu cho biết hố đen mới phát hiện thuộc loại "im lìm" (dormant black hole) , đặc biệt ở chỗ không phát ra những tia phóng xạ X khi "nuốt" những vật thể xung quanh bằng lực hấp dẫn cực mạnh. Hơn nữa, hố đen này được cho là không phải là kết quả của một vụ nổ của một ngôi sao chết.

Các hố đen là những vật thể cực đặc với lực hấp dẫn mạnh tới mức kể cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Hố đen mới được phát hiện ở vùng Tarantula Nebula thuộc thiên hà Large Magellanic Cloud, có kích thước gấp 9 lần so với Mặt Trời, cách Trái Đất khoảng 160.000 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là khoảng cách ánh sáng di chuyển trong một năm, tương đương khoảng 9.500 tỷ km. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một ngôi sao xanh, nóng và phát sáng, với khối lượng gấp 25 lần Mặt Trời đang quay quanh hố đen này, cho rằng ngôi sao này dần dần cũng trở thành một hố đen và có thể sẽ nhập vào hố đen mà nó quay quanh.

Những hố đen "im lìm" thường rất khó phát hiện vì chúng ít tương tác với vật thể xung quanh. Tomer Shenar, nhà nghiên cứu thiên văn học từ Đại học Amsterdam cho biết việc phát hiện ra một hố đen như vậy như "mò kim đáy biển". Đồng tác giả nghiên cứu Kareem El-Badry cho biết đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học tìm ra một hố đen "im lìm" sau nhiều thập kỷ nghiên cứu.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-ho-den-dac-biet-kho-tim-gan-dai-ngan-ha-20220719140826280.htm