Phát hiện hóa thạch gây sốc của sinh vật 2,4 tỉ năm tuổi

Lịch sử phát triển của sự sống trên Trái Đất có thể phải được điều chỉnh sau sự xuất hiện của các vi hóa thạch phức tạp đến khó tin đến từ thời kỳ môi trường địa cầu thay đổi cực lớn.

Theo Sci-News, khoảng 2,4 tỉ năm trước, Sự kiện oxy hóa lớn đã gây ra những thay đổi cơ bản về mặt hóa học của môi trường bề mặt Trái Đất.

Tác động của những thay đổi này đến sinh quyển vẫn chưa được biết rõ do thiếu các hóa thạch được bảo quản tốt từ thời đại này. Nhưng một thứ vừa lộ diện ở khu vực trầm tích nổi tiếng Turee Creek Group ở Tây Úc đã gây sốc thực sự.

Các vi hóa thạch được tìm thấy ở Tây Úc

Các vi hóa thạch được tìm thấy ở Tây Úc

Theo GS Erica Barlow từ Đại học New South Wales (Úc) và Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), thứ họ tìm được là bằng chứng trực tiếp đầu tiên liên kết môi trường đang thay đổi trong thời gian diễn ra Sự kiện oxy hóa lớn với sự gia tăng mức độ phức tạp của sự sống.

Sự kiện oxy hóa lớn đã gây ra đại tuyệt chủng cũng như mở đường cho một lớp sinh vật phức tạp hơn ra đời. Nhưng "phức tạp" mà các nhà khoa học mường tượng chỉ là những sinh vật nhân sơ đơn giản.

Các vi hóa thạch Tây Úc chứng minh điều ngược lại: Thứ được bảo tồn trong trầm tích giống tảo hơn sinh vật nhân sơ đơn giản.

Tảo, cùng với tất cả các loài động thực vật khác trên hành tinh chúng ta ngày nay, là sinh vật nhân chuẩn, một dạng sống phức tạp hơn những gì tồn tại ở địa cầu sơ khai, với các tế bào có nhân và mang bao bọc.

Chúng cũng có các đặc điểm tương đồng với họ tảo Volvocaceae hiện đại, với sự sắp xếp tế bào phức tạp đến kinh ngạc.

Phát hiện ở Tây Úc là một phát hiện chấn động, bởi đã đẩy lùi kỷ lục về độ tuổi của vi hóa thạch "cao cấp" loại này tới 750 triệu năm.

Nó là bằng chứng sống động cho thấy Trái Đất đủ khả năng tạo ra sự sống phức tạp sớm hơn những gì chúng ta nghĩ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geobiologynày chỉ mới là khởi đầu.

GS Christopher House từ Đại học bang Pennsylvania, đồng tác giả, cho biết các hóa thạch mới này được bảo quản rất tốt, sẽ cho phép nghiên cứu sâu về hình thái, thành phần và độ phức tạp của chúng.

Các kết quả phân tích sơ bộ về thành phần hóa học và đồng vị carbon của các vi hóa thạch này đã xác nhận chúng thực sự là hóa thạch sinh học.

Các mẫu vật đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về môi trường sống, sinh sản và trao đổi chất của vi sinh vật sơ khai.

- Video: Kho báu rơi ra từ “tàu ma” 5.000 năm tuổi. Nguồn: Báo Người lao động.

Theo Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-hoa-thach-gay-soc-cua-sinh-vat-2-4-ti-nam-tuoi/20231129091004589