Phát hiện khí oxy 'chạy' từ Trái đất lên Mặt trăng
Các nhà khoa học phát hiện khí oxy từ Trái đất được cuốn tới Mặt trăng thông qua một đuôi từ trường và đây là nguyên nhân khiến Mặt trăng đang bị ăn mòn.
The Print ngày 6/9 cho biết các nhà khoa học, dựa vào dữ liệu của một thiết bị của NASA đặt trên tàu thám hiểm Mặt trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ, đã phát hiện ra các khoáng chất sắt bị oxy hóa hematit, hay còn gọi là gỉ sét, trên bề mặt của Mặt trăng.
Sắt có khả năng phản ứng cao với oxy và nước để tạo thành gỉ sét thường thấy trên Trái đất. Tuy nhiên, bề mặt Mặt trăng hầu như không có oxy mà chỉ có khoáng chất sắt và phân tử nước nên các nhà khoa học tỏ ra rất ngạc nhiên.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Hawaii, các mẫu khoáng chất bị gỉ sét nói trên dường như được tạo ra bởi oxy từ tầng khí quyển của Trái đất. Lượng oxy này đã liên tục bị hiện tượng gọi là "gió Mặt trời" thổi tới bề mặt Mặt trăng trong vài tỷ năm qua.
Trong một bài đăng khác về hiện tượng, tờ CNN dẫn lời các chuyên gia nói rằng Trái đất được bao bọc trong một từ trường. Hiện tượng "gió Mặt trời" đã làm méo quả bóng khí quyển rồi tạo ra một "chiếc đuôi" từ trường dài theo hướng gió.
Mỗi tháng, theo chu kỳ quay quanh Trái đất, Mặt trăng sẽ đi qua chiếc đuôi này 6 ngày. Trong khoảng thời gian này, đuôi từ trường của Trái đất sẽ bao phủ bề mặt Mặt trăng bằng các electron và tất cả những điều kỳ lạ có lẽ thể xảy ra.
NASA từng chứng minh được rằng, các hạt bụi trên bề mặt Mặt trăng có thể trôi khỏi bề mặt và thậm chí có thể trở thành một cơn bão bụi.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cho rằng oxy từ Trái đất đã di chuyển trên đuôi từ trường này quãng đường hơn 384.000km để đáp xuống Mặt trăng, nơi nó tương tác với các phân tử nước để tạo ra rỉ sét.
Khu vực bị gỉ sét trên Mặt trăng thuộc vĩ độ cao, có mối tương quan chặt chẽ với hàm lượng nước cao và là vùng cận biên, nơi luôn hướng về Trái đất. Tất cả củng cố thêm cho giả thuyết. Ở các vùng xa xôi của Mặt trăng, nơi không có cách gì tiếp cận với cơn gió mang oxy từ Trái đất, không chứng kiến hiện tượng này.
Các nhà khoa học hiện đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này, bởi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, ví dụ như làm thế nào các phân tử nước tiếp xúc với khoáng chất sắt trong quá trình oxy hóa.
"Khám phá này sẽ định hình lại kiến thức của chúng ta về các vùng cực của Mặt trăng", nhà khoa học Shuai Li thuộc Đại học Hawaii, nói. "Trái đất có thể đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự tiến hóa của bề mặt Mặt trăng".