Phát hiện lỗ đen 'quái vật vô hình' lẩn trốn gần Trái Đất
Một lỗ đen 'quái vật' vô hình đã được các nhà khoa học phát hiện bằng một thiết bị quang phổ hiện đại, được xác định là lỗ đen gần Trái Đất nhất.
Theo tiến sĩ Thomas Rivinius từ Tổ chức Nghiên cứu thiên văn châu Âu (ESO), thành viên nhóm nghiên cứu, lỗ đen nằm trong hệ thống sao HD 167128, từng được biết đến như là cặp nhị phân của 2 ngôi sao dạng B3.
Để "quan sát" lỗ đen này, các nhà khoa học đã phải dùng hệ thống quang phổ hiện đại FEROS đặt trên kính viễn vọng MPG/ESO 2,2, đặt tại Đài thiên văn La Silla của ESO. Lỗ đen siêu khối này nằm cách chúng ta chỉ 1.119 năm ánh sáng và từ Trái Đất, có thể nhìn thấy 2 ngôi sao đồng hành của nó bằng mắt thường. Đây vẫn là khoảng cách "gần" trong khoa học thiên văn.
Vật thể được phát hiện nhờ vào sự di chuyển kỳ lạ của 1 trong 2 ngôi sao thuộc hệ HD 167128: Dường như nó quay quanh một vật thể không nhìn thấy được mỗi 40 ngày, trong khi ngôi sao thứ 2 nằm yên tĩnh và cô độc ở một khoảng cách rất lớn.
Sự tồn tại của một cơ thể thứ 3 trong hệ sao mà người ta cứ tưởng chỉ là "nhị phân" đã dần lộ diện. Nó cực kỳ to lớn, là thứ được giới thiên văn gọi là "lỗ đen siêu khối" hoặc "lỗ đen quái vật", thường tương tác dữ dội với môi trường quanh chúng. Khối lượng của lỗ đen siêu khối lớn hơn nhiều so với các ngôi sao, bao gồm mặt trời của chúng ta.
Theo các nhà khoa học, đây là hệ sao có lỗ đen đầu tiên mà từ trái đất có thể quan sát các ngôi sao đồng hành bằng mắt thường. Họ tin rằng còn rất nhiều hệ thống kỳ dị như vậy tồn tại. Lỗ đen này rất có thể là đoạn cuối trong "hành trình cái chết" của một ngôi sao khổng lồ cổ đại. Phát hiện này cung cấp rất nhiều manh mối để giới thiên văn hiểu rõ hơn về sự hình thành và tiến hóa của các ngôi sao khổng lồ.
Các tác giả cho rằng trước khi hóa thành lỗ đen, ngôi sao đó phải có khối lượng hơn Mặt Trời ít nhất 8 lần.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.