Phát hiện loài chuột chù voi tí hon sau 50 năm biến mất
Nhờ sử dụng mồi nhử, các nhà khoa học đã bắt được các cá thể chuột chù voi Somalia tí hon ở Djibouti, sau hơn 50 năm loài này được cho là đã biến mất.
Loài động vật có vú tí hon mới được tái phát hiện có tên chuột chù voi (Elephantulus revoilii) hay còn gọi là chuột chù voi Somalia (Somali sengi). Loài vật nhỏ bé có chiếc mũi dài, chùm lông ở đuôi và cặp mắt to này đã vắng bóng suốt nửa thế kỷ.
Chuột chù voi Somalia có vẻ ngoài rất đặc biệt, như thể sự pha trộn giữa voi và chuột. Chúng có mũi kéo dài như loài voi, đôi mắt to tròn, chiếc đuôi dài, bộ lông vàng mượt và chân cao nhỏ. Ngoài ra, chúng còn có một túm lông ở đuôi giúp phân biệt với các loài chuột chù voi khác.
Khác với phần lớn các loài chuột khác, chuột chù voi ăn kiến, ngũ cốc, sống ở nơi khô hạn như sa mạc và hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Loài này có thể chạy với tốc độ 30 km/h, ăn kiến bằng chiếc mũi dài như chiếc vòi của mình. Loài này chỉ kết đôi với một con vật khác giống trong cuộc đời.
Chuột chù voi Somalia đã không được nhìn thấy kể từ năm 1973. Theo Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC), mọi hiểu biết về loài này đến từ 39 mẫu vật được thu thập trong hàng thập kỷ và lưu giữ ở viện bảo tàng.
Nhóm Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu thậm chí còn đưa nó vào danh sách "25 loài bị mất tích được mong muốn nhìn thấy nhất". Hầu hết mọi thông tin đã được công bố về loài này đều xuất phát từ các nghiên cứu dựa trên giải phẫu các mẫu vật trong bảo tàng.
Năm 2019, nhóm chuyên gia đến từ Mỹ và Cộng hòa Djibouti lên kế hoạch tìm kiếm chuột chù voi khi nhận được thông tin chúng có thể đang sinh sống tại vùng núi trên bán đảo Sừng châu Phi.
Sử dụng thông tin từ cư dân địa phương kết hợp phân tích mẫu phân ở những khu vực tiềm năng và đánh giá địa hình, nhóm nghiên cứu đặt 1.259 chiếc bẫy tại 12 địa điểm trên khắp miền núi. Họ nhử chuột chù voi vào bẫy bằng bơ đậu phộng, bột yến mạch và men. Sau gần một năm đặt bẫy, các nhà khoa học mới tạm phát hiện được 12 con chuột chù voi.
Trang Nhung (theo Live Science)