Phát hiện loài khủng long có sừng khổng lồ mới tại Ai Cập

Các phát hiện mới cho thấy loài khủng long ở Bắc Phi đa dạng hơn nhiều so với những gì từng biết trước đây.

Tái tạo lại khủng long Tameryraptor markgrafi. Ảnh: independent

Tái tạo lại khủng long Tameryraptor markgrafi. Ảnh: independent

Các nhà khoa học vừa xác định được một loài khủng long có sừng khổng lồ mới, từng lang thang trên vùng đất thuộc Bắc Phi hiện đại khoảng 95 triệu năm trước, dù những hóa thạch của nó đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Loài khủng long săn mồi khổng lồ này, có tên Tameryraptor markgrafi, được phát hiện dựa trên các bức ảnh lưu trữ chụp bộ xương hóa thạch của nó trước năm 1944.

Bộ xương ban đầu của loài này được mô tả vào năm 1914, sau khi được khai quật tại ốc đảo Bahariya ở Ai Cập và được lưu giữ cùng các hóa thạch khủng long khác tại Bảo tàng Tiểu bang Bavaria về cổ sinh vật học và địa chất ở Munich, Đức.

Khi đó, nhà cổ sinh vật học Ernst Stromer von Reichenbach (1871-1952) đã xếp hóa thạch này vào chi Carcharodontosaurus, có nghĩa là "thằn lằn răng cá mập". Với chiều dài khoảng 10 m, đây là một trong những loài ăn thịt trên cạn lớn nhất từng được biết đến, có kích thước tương đương với loài Tyrannosaurus rex ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, phần lớn bộ sưu tập hóa thạch khủng long tại Munich, bao gồm các mẫu vật từ Ai Cập, đã bị hủy hoại trong các cuộc ném bom thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Những gì còn lại của loài khủng long khổng lồ này chỉ là các ghi chép, bản vẽ xương, và một số bức ảnh chụp bộ xương ban đầu của Dr. Stromer.

Các hình ảnh lưu trữ cho thấy bộ xương nguyên bản từ Ai Cập, bao gồm các phần của hộp sọ, cột sống và chân sau, trước khi bị phá hủy.

Bộ xương còn sót lại của Tameryraptor markgrafi trong triển lãm tại Alte Akademie. Ảnh: independent

Bộ xương còn sót lại của Tameryraptor markgrafi trong triển lãm tại Alte Akademie. Ảnh: independent

“Những gì chúng tôi thấy trong các bức ảnh lịch sử đã khiến cả nhóm ngạc nhiên. Hóa thạch khủng long Ai Cập này khác biệt rõ rệt so với những mẫu Carcharodontosaurus được tìm thấy gần đây ở Maroc”, ông Maximilian Kellermann, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.

Ông cho biết việc phân loại ban đầu của Stromer là không chính xác. Nhóm nghiên cứu đã xác định đây là một loài khủng long săn mồi hoàn toàn mới và đặt tên nó là Tameryraptor markgrafi.

Loài khủng long này có răng đối xứng đặc biệt và một chiếc sừng mũi nổi bật. Tên chi “Tamery” bắt nguồn từ tên gọi cổ của Ai Cập, trong khi tên loài được đặt để vinh danh nhà sưu tập hóa thạch Richard Markgraf, người đã khai quật bộ xương của nó.

Tameryraptor markgrafi có họ hàng với các loài khủng long săn mồi Bắc Phi và Nam Mỹ thuộc chi Carcharodontosaurus, cũng như một nhóm khủng long ăn thịt từ châu Á gọi là Metriacanthosaurs.

Các phát hiện này gợi ý rằng hệ động vật khủng long ở Bắc Phi đa dạng hơn nhiều so với những gì từng được biết.

“Công trình này cho thấy các nhà cổ sinh vật học không chỉ cần khai quật dưới lòng đất mà còn nên tìm kiếm trong các kho lưu trữ cũ”, ông Oliver Rauhut, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc đánh giá toàn diện về hệ động vật khủng long săn mồi ở ốc đảo Bahariya sẽ cần đến việc khai quật thêm các hóa thạch mới từ khu vực này.

Phúc Hưng/Báo Tin tức (Theo independent)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phat-hien-loai-khung-long-co-sung-khong-lo-moi-tai-ai-cap-20250117204604836.htm