Phát hiện loài rắn có 'vẻ đẹp chết người', chuyên gia lý giải sao?
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, trong đó có ThS. Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), vừa công bố loài rắn lục mới mang tên Rắn lục xanh bí ẩn có 'vẻ đẹp chết người' và khác biệt.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, trong đó có ThS. Nguyễn Văn Tân (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), vừa công bố loài rắn lục mới mang tên Rắn lục xanh bí ẩn Trimeresurus cryptographicus Pawangkhanant, Idiiatullina, Nguyen, Ruangsuwan, Matsukoji, David, Suwannapoom & Poyarkov, 2025. Đây là loài rắn có “vẻ đẹp chết người” và khác biệt.

Hình ảnh trong tự nhiên của loài Rắn lục xanh bí ẩn Trimeresurus cryptographicus. Nguồn: Nguyễn Văn Tân.
Sự nguy hiểm ẩn sau màu xanh lục bảo
Loài rắn mới được tìm thấy trong các dãy đá vôi thuộc tỉnh Phitsanulok, miền trung Thái Lan, ở độ cao chỉ khoảng 100 mét so với mực nước biển. Đây là khu vực rừng đá vôi đặc trưng, giàu đa dạng sinh học nhưng chưa được nghiên cứu nhiều.

Môi trường sống của loài Rắn lục xanh bí ẩn Trimeresurus cryptographicus. Nguồn: Nguyễn Văn Tân.
“Chúng tôi phát hiện loài rắn này trong một chuyến khảo sát năm 2020. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ đây là loài Rắn lục xanh mắt to Trimeresurus macrops – một loài rắn phân bố rộng ở Thái Lan, Lào và Capuchia vì hình dạng bề ngoài rất tương đồng. Nhưng khi phân tích sâu hơn bằng cả hình thái học và giải mã gen, chúng tôi nhận ra đây là một loài hoàn toàn mới”, ThS. Nguyễn Văn Tân, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Tên khoa học Trimeresurus cryptographicus được nhóm nghiên cứu lựa chọn từ gốc Hy Lạp, nghĩa là “ẩn giấu” và “viết ra”. Tên gọi này phản ánh đặc điểm đặc biệt nhất của loài: khi còn non, cơ thể chúng có những vệt sọc đậm hình răng cưa rất rõ trên nền xanh nhạt. Nhưng khi trưởng thành, các hoa văn ấy mờ dần, để lại một màu xanh lá tươi gần như trơn, khiến người quan sát dễ bị nhầm lẫn.
“Giống như một dòng mật mã bị xóa dần theo thời gian – phải rất tinh ý và kiên nhẫn mới nhận ra dấu vết. Sự biến đổi màu theo độ tuổi này cực kỳ hiếm thấy trong nhóm rắn lục, và chính là một trong những yếu tố giúp chúng tôi xác định đây là một loài mới”, ThS Tân chia sẻ.
Trimeresurus cryptographicus là loài rắn có kích thước nhỏ, con trưởng thành dài khoảng 50–52 cm. Cả con đực và cái đều có mắt màu vàng ánh kim. Đặc biệt, ở con đực còn có một vạch dưới mắt màu trắng xanh rất mảnh – đặc điểm chưa từng thấy ở các loài cùng họ tại khu vực này.
Ngoài ra, phần đuôi của loài rắn này mang màu đỏ gạch lốm đốm đen và có vệt trắng ở mặt bụng – dấu hiệu phân biệt quan trọng với T. macrops, vốn có đuôi đỏ đồng nhất.
Ở trạng thái trưởng thành, T. cryptographicus sở hữu thân hình thon gọn, phủ một màu xanh cỏ mượt mà và đồng đều. Phần đuôi mang sắc đỏ gạch, rải rác đốm đen và những vệt trắng dưới bụng – một vẻ đẹp tinh xảo hiếm thấy trong thế giới bò sát.
Cũng như các loài thuộc chi Trimeresurus, loài rắn mới sở hữu răng nanh rỗng, tiết nọc độc có khả năng gây tổn thương mô nghiêm trọng. Chúng có tập tính săn mồi về đêm và sẵn sàng tấn công khi bị đe dọa.

Mối quan hệ di truyền của các loài Rắn lục xanh chi Trimeresurus dựa trên gen ti thể (nguồn: Pawangkhanant et al. 2025). Nguồn: Nguyễn Văn Tân.
Để xác định mối quan hệ tiến hóa, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự ba đoạn gen ty thể dài tổng cộng 2.406 bp, bao gồm cytochrome b, ND4 và 16S rRNA. Kết quả phân tích cho thấy, mặc dù bề ngoài giống T. macrops, loài rắn mới này lại có quan hệ gần hơn với T. kuiburi – một loài khác sống ở phía nam Thái Lan.
Khoảng cách di truyền giữa T. cryptographicus và T. kuiburi là 1,6–1,8%, đủ lớn để xác định đây là hai loài tách biệt. Đặc biệt, chúng cách nhau hơn 450 km địa hình không phù hợp với sinh sống – yếu tố khiến khả năng lai tạp là không thể.
Dấu mốc mới của khoa học Đông Nam Á
Hiện tại, T. cryptographicus chỉ được tìm thấy tại khu vực hang Tham Kang Kao, ở độ cao khoảng 100 mét – nơi có hệ sinh thái đá vôi đặc trưng, ẩm ướt, rậm rạp, ít có dấu chân con người. Các khảo sát mở rộng chưa phát hiện thêm cá thể nào tại các vùng lân cận, cho thấy khả năng cao đây là loài đặc hữu – chỉ tồn tại tại địa điểm này.

Phân bố của các loài rắn lục xanh thuộc phước hợp loài Trimeresurus kanburiensis. Nguồn: Nguyễn Văn Tân.
Điều đáng nói là không ghi nhận bất kỳ loài rắn lục nào khác đồng sinh sống tại khu vực đó. “Đây là loài rắn lục chiếm lĩnh độc quyền trong hốc sinh thái của nó – một điều hiếm thấy trong tự nhiên,” ThS Tân cho biết.
Phát hiện T. cryptographicus nâng tổng số loài thuộc chi Trimeresurus lên 54, riêng Thái Lan hiện giữ kỷ lục với 20 loài – nhiều nhất thế giới. Điều đó cho thấy Đông Nam Á, với địa hình phức tạp và hệ sinh thái rừng đá vôi cổ xưa, vẫn là kho tàng đa dạng sinh học chưa được khám phá hết.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo: rừng đá vôi – môi trường sống duy nhất của nhiều loài đặc hữu như T. cryptographicus – đang đối mặt với nguy cơ bị khai thác để sản xuất xi măng hoặc xây dựng, đe dọa nghiêm trọng đến các sinh vật “ẩn mình”.
“Đây không chỉ là một loài rắn mới, mà còn là lời nhắc về giá trị to lớn của hệ sinh thái đá vôi – nơi nhiều sinh vật vẫn đang ‘ẩn mình’ chờ được khám phá,” ThS Tân nói thêm.
Công trình nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Thái Lan, Việt Nam, Nga và Nhật Bản phối hợp thực hiện, được công bố trên tập san Zootaxa ngày 22 tháng 4 năm 2025. Nhóm nghiên cứu bày tỏ lòng biết ơn đến các cộng tác viên, tổ chức bảo tồn, và người dân địa phương đã hỗ trợ trong suốt quá trình điều tra thực địa.
“Chúng tôi hy vọng phát hiện này sẽ góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn và tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ trong khu vực,” ThS Tân kết luận.
Mời quý độc giả xem video: Kinh hoàng cảnh rắn đen kéo lê đồng loạt vào bụi cây để ăn thịt.