Phát hiện 'ma cà rồng' 100.000 tuổi, hóa đá trong hang quái thú
Trong hang của một con lười khổng lồ đã tuyệt chủng, các nhà khoa học đã phát hiện ra ma cà rồng Desmodus draculae.
Cái tên Desmodus draculae cũng bắt nguồn từ "Dracula", nhân vật bá tước ma cà rồng huyền thoại. Với kích cỡ phần thân to hơn bàn phím máy tính và sải cách 50 cm, nó là một trong những loài dơi khổng lồ nhất từng tồn tại trên Trái Đất, và tất nhiên, thuộc nhóm dơi hút máu háu đói.
Theo Sci-News, nó thuộc phân họ Desmodontinae, tức "dơi ma cà rồng", gồm 3 loài đã tuyệt chủng và 3 loài còn sống. Riêng hóa thạch lần này, được phát hiện trong hang của một con lười quái thú đã tuyệt chủng ở Argentina, đã 100.000 tuổi.
Tiến sĩ Santiago Brizuela từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Miramar (Argentina) cho biết hóa thạch chỉ bao gồm phần hàm của sinh vật, nhưng đủ để tái hiện "chân dung" trong quá khứ của nó. Chưa rõ nó đã vào hang để kiếm ăn, trú ẩn hay là bị con vật khác ăn thịt và tha vào hang.
Tuy được gọi là ma cà rồng, nhưng thực tế các con dơi hút máu chỉ hút một lượng nhỏ, không đủ gây nguy hiểm cho các "nạn nhân" – thường là các sinh vật to lớn hơn nhiều và hiền lành như trâu, bò... – chỉ bởi vết cắn.
Nhưng chúng lại nguy hiểm ở chỗ có thể mang mầm bệnh dại cùng một số bệnh nguy hiểm khác, dơi hiện đại và các con dơi tuyệt chủng này cũng không ngoại lệ.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Ameghiniana.