Phát hiện mắc ung thư sau 3 tháng rối loạn tiêu hóa
Bệnh nhân nam 66 tuổi mắc cùng lúc hai loại ung thư đại tràng và trực tràng. Đây là một trường hợp ít gặp và phức tạp trong chuyên ngành tiêu hóa. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh này?
Người đàn ông 66 tuổi, quê ở Ninh Bình, đến khám tại Bệnh viện Việt Đức với các triệu chứng như: rối loạn đại tiện, mót rặn liên tục, đại tiện ra máu, sụt cân nhanh trong ba tháng gần đây. Kết quả nội soi đại tràng phát hiện một khối u lớn ở trực tràng, cách hậu môn khoảng 10 cm, và một khối u thứ hai ở đại tràng bên phải, kích thước nhỏ hơn, khoảng 2 cm.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết: chẩn đoán đồng thời ung thư trực tràng và đại tràng là tình huống ít gặp, chỉ chiếm khoảng 2–5% trong tổng số các ca ung thư đại trực tràng.
Sau khi hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi để cắt bỏ đoạn đại tràng và trực tràng chứa khối u, đồng thời lấy toàn bộ hạch di căn trong ổ bụng. Các bác sĩ đã loại bỏ thành công khối u, bảo tồn chức năng và giúp người bệnh hồi phục.
Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng
Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng theo độ tuổi. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:
Tổn thương tiền ung thư: viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại tràng (đặc biệt là polyp biểu mô tuyến dạng ống và nhung mao).
Hội chứng di truyền: hội chứng Lynch, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.
Tiền sử gia đình có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
Chế độ ăn: nhiều thịt đỏ, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu các vitamin A, B, C, E và canxi.
Tiêu thụ thực phẩm chứa benzopyren, nitrosamin...
Lối sống tĩnh tại, béo phì.
Lạm dụng thuốc lá và rượu bia.
Việc có yếu tố nguy cơ không đồng nghĩa với việc chắc chắn sẽ mắc ung thư đại trực tràng. Ngược lại, một số người không có yếu tố nguy cơ vẫn có thể mắc bệnh.

Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa thông thường
Biểu hiện của ung thư đại trực tràng
Tùy theo kích thước, vị trí và giai đoạn khối u, các triệu chứng có thể khác nhau. Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa thông thường. Một số biểu hiện thường gặp bao gồm:
Thay đổi thói quen đại tiện
Táo bón hoặc tiêu chảy
Đi ngoài ra máu hoặc dịch nhầy (triệu chứng phổ biến nhất)
Đầy hơi, chướng bụng, đau bụng thường xuyên
Sờ thấy khối u qua thành bụng
Thiếu máu
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Suy nhược, mệt mỏi
Hạch thượng đòn, cổ trướng (nếu có di căn)
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dù không phải lúc nào các triệu chứng cũng là do ung thư, nhưng tất cả đều cần được xử lý sớm.
Chẩn đoán ung thư đại trực tràng
Chẩn đoán ung thư đại trực tràng bao gồm khám lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng:
Nội soi đại trực tràng ống mềm kết hợp sinh thiết: cung cấp hình ảnh, vị trí và đặc điểm khối u.
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u: CEA, CA 19-9.
Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu.
Chụp X-quang bụng: phát hiện biến chứng tắc hoặc thủng ruột.
Siêu âm ổ bụng: đánh giá tổn thương gan và vùng bụng.
Chụp CT: đánh giá tổn thương và di căn xa với độ nhạy cao.
Chụp MRI: áp dụng trong chẩn đoán di căn gan và tổn thương tại chỗ.
Chụp PET/CT, xạ hình xương, xạ hình gan...
Mô bệnh học: là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chẩn đoán ung thư.
Đối tượng cần nội soi đại trực tràng
Người đau bụng, thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy, táo bón kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Thiếu máu thiếu sắt hồng cầu nhỏ không rõ lý do.
Đi ngoài ra máu, xét nghiệm phân dương tính với máu ẩn (FOBT+).
Có tiền sử polyp hoặc ung thư đại tràng.
Mắc viêm loét đại tràng mạn tính hoặc bệnh Crohn.
Trên 40 tuổi có nhu cầu tầm soát, hoặc có người thân trong huyết thống (bố mẹ, anh/chị/em ruột) mắc ung thư đại tràng hoặc polyp.
Tóm lại: Một số yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng như di truyền và tuổi tác là không thể thay đổi, nhưng nhiều yếu tố khác hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống hoặc điều trị dự phòng.
Tầm soát ung thư đại trực tràng là phương pháp áp dụng cho những người chưa có triệu chứng bệnh. Người từ 45 tuổi trở lên nên bắt đầu tầm soát, hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ.
Hầu hết các trường hợp ung thư đại trực tràng bắt đầu từ những polyp phát triển bất thường trên niêm mạc. Việc phát hiện và loại bỏ các polyp này giúp ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Hiện nay, việc tầm soát ung thư đại trực tràng trở nên dễ dàng hơn nhờ nội soi không đau. Phương pháp này giúp phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư và ung thư ở giai đoạn đầu, từ đó nâng cao khả năng chữa khỏi và phục hồi cho người bệnh.