Phát hiện mảnh tháp cổ ở Ninh Giang

Tháng 8.2014, trong quá trình nạo vét ao làm chùa, bà Phạm Thị Biên (sinh năm 1946) cùng nhân dân trong thôn phát hiện 3 mảnh tháp cổ tại chùa Đồng Bình, xã Ninh Hải (Ninh Giang).

Vị trí phát hiện các mảnh tháp cổ

Vị trí phát hiện các mảnh tháp cổ

Ngày 19.12.2020, bà Biên bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu lâu dài. 3 mảnh tháp bằng đất nung màu đỏ. Mảnh mái tháp (M1) dài 26 cm, rộng 14 cm, cao 11cm, mái trang trí cách điệu hình ngói ống và hoa chanh nối tiếp nhau. Trên mảnh tháp khắc chữ “Bắc” (hướng Bắc) bên cạnh có mộng “mang cá” hình thang.

Mảnh mái tháp thứ hai (M2) dài 16 cm, rộng 12,5 cm, cao 9 cm, trang trí tạo mái ngói sóng nước và mặt sau họa tiết, xung quanh là đường viền sâu khắc nổi 4 cánh hoa chanh nối tiếp bao ngoài đường tròn.

Mảnh thân tháp (M3) dài 13 cm, rộng 12,5 cm, cao 7 cm, trên khắc chữ “Thượng” (bên trên), được lắp dựng trên tầng nóc (tầng thượng) của tháp.

Các mảnh tháp đều được làm bằng đất sét, trang trí hoa văn theo tỷ lệ nhất định. Hai đầu có mộng “mang cá” để lắp ghép và đổ chì, lắp dựng bền vững.

Chùa Đồng Bình (tên chữ: Đông Hải tự) thờ Phật theo phái Đại Thừa được xây dựng bao giờ chưa có tài liệu xác định. Các cụ cao niên địa phương và bà Biên cho biết khi họ lớn lên đã không còn sự hiện hữu của ngôi chùa, chỉ nghe các cụ trong thôn kể lại ngôi chùa bị phá cách đây 600-700 năm, bây giờ chỉ còn lại dấu tích của nền chùa.

 3 mảnh tháp chùa Đồng Bình

3 mảnh tháp chùa Đồng Bình

Ngôi chùa xưa được xây dựng trên khu đất cao ráo. Mặt trước chùa nhìn ra sông Cái (còn gọi là sông Lớn - là một nhánh của sông Luộc). Về hướng tây và tây bắc có đống: Con Ngựa, Lá Cờ, Khẩu Súng, Gốc Đa, Đống Gạch... có độ cao từ 1 - 3 m. Ngôi chùa nằm tách biệt với xóm làng nhưng lại là trung tâm của nhiều vùng lân cận.

Căn cứ chất liệu, màu sắc và đặc điểm tạo hình của di vật, đối chiếu với những mảnh tháp đã phát hiện tại chùa Côn Sơn, chùa Thời Lời (Chí Linh), Bảo tàng tỉnh xác định các mảnh tháp chùa Đồng Bình có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) khi Phật giáo đang thịnh hành. Để tránh nhầm lẫn khi lắp dựng công trình, người xưa khắc chữ Hán để đánh dấu vị trí tầng và hướng. Đây là loại tháp khá phổ biến trong kiến trúc cổ Phật giáo.

HOÀNG HƯƠNG

Ảnh 2:

Ảnh 1:

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/phat-hien-manh-thap-co-o-ninh-giang-167997