Phát hiện mộ tập thể chôn người chết vì dịch bệnh từ thế kỷ 19 tại Nhật Bản
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện hố chôn tập thể có từ thế kỷ 19 với trên 1.500 hài cốt tại thành phố Osaka (Nhật Bản). Họ cho rằng những người này có thể đã qua đời vì đại dịch.
Thành viên Hiệp hội Di sản Văn hóa Osaka vào ngày 26/8 nhận định rằng đây là hài cốt của những người trẻ tuổi đã qua đời vào cuối những năm 1800.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Osaka đã tiến hành khai quật nghĩa trang Umeda theo một dự án tái phát triển. Osaka đã khai quật nghĩa trang từ tháng 9/2019 và phát hiện trên 1.500 hài cốt.
Ông Yoji Hirata tại Hiệp hội Di sản Văn hóa Osaka phân tích: “Phát hiện này sẽ cung cấp chi tiết về truyền thống chôn cất người dân vào thời kỳ đó”.
Rất nhiều hài cốt có dấu hiệu thương tổn ở chân. Điều này cho thấy họ là nạn nhân của một đại dịch trong vùng. Các chuyên gia nhận định rằng có khả năng đây là dịch bệnh giang mai.
Nhiều hài cốt được đặt trong các hố hình nhỏ, tròn khi chôn cất. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn phát hiện quan tài chứa nhiều hài cốt. Đây là dấu hiệu nạn nhân của dịch bệnh được chôn cất cùng nhau.
Các chuyên gia còn phát hiện 350 cái lư và một kho có khả năng là nơi chứa xương. Đây là dấu hiệu có thi thể đã được hỏa thiêu. Tại địa điểm này, còn có nhiều đồng xu, tràng hạt, lược, búp bê đất sét, khăn trùm đầu, cốc uống rượu được chôn cùng người chết.
Phía bắc nghĩa trang còn có xương lợn và phía nam có xương hai con ngựa. Ông Hirata cho biết các chuyên gia sẽ công bố kết quả báo cáo vào cuối năm 2021.
Tất cả các hài cốt đều được di dời khỏi địa điểm và chuyên gia sẽ khám nghiệm để tìm thêm chi tiết liên quan đến cái chết của họ.