Phát hiện mới: Cá mập cắn người có thể chỉ là hành động tự vệ

Không phải lúc nào cá mập cũng là 'hung thần đại dương'. Một nghiên cứu mới cho thấy, nhiều vụ cá mập tấn công người thực chất là phản ứng tự vệ và con người mới là kẻ 'khơi mào'.

Kể từ khi bộ phim Jaws công chiếu vào năm 1975, hình ảnh cá mập như một kẻ săn mồi khát máu đã in sâu trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học quốc tế vừa công bố một góc nhìn hoàn toàn khác: cá mập có thể cắn người đơn giản vì... sợ hãi.

Các nhà khoa học đã tìm ra lý do chính đằng sau một số vụ tấn công của cá mập.

Các nhà khoa học đã tìm ra lý do chính đằng sau một số vụ tấn công của cá mập.

Nghiên cứu do Tiến sĩ Eric Clua – chuyên gia về cá mập tại Đại học PSL (Pháp) – đứng đầu, cho thấy một số vụ cá mập cắn người xảy ra không phải vì cá mập muốn săn mồi, mà là phản ứng phòng vệ trước hành vi mà chúng cảm nhận là đe dọa.

“Chúng tôi ghi nhận những trường hợp cá mập cắn người vì tự vệ – đơn giản là do bản năng sinh tồn,” Tiến sĩ Clua cho biết. “Trong nhiều tình huống, lỗi không nằm ở cá mập.”

Hành vi này không chỉ xuất hiện khi con người săn cá bằng lao – vốn dễ gây kích động – mà đôi khi chỉ đơn giản là tiếp cận quá gần hoặc chạm vào cá mập, ngay cả khi chúng có vẻ yếu ớt hay bị thương.

Dù có vẻ “vô hại”, nhưng cá mập – đặc biệt là các loài sống gần bờ như cá mập rạn xám – luôn có thể phản ứng dữ dội khi cảm thấy bị đe dọa. Và điều nguy hiểm nằm ở chỗ: cú cắn “phòng thủ” đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng, dù bản thân cá mập không có ý đồ tấn công.

“Không nên tiếp xúc cơ thể với cá mập, kể cả khi nó trông yếu ớt,” Tiến sĩ Clua nhấn mạnh. “Tôn trọng cá mập chính là cách tốt nhất để giữ an toàn.”

Tại Polynesia thuộc Pháp – khu vực nghiên cứu trọng điểm – đã ghi nhận 74 vụ cá mập cắn từ năm 2009 đến 2023. Trong số đó, ít nhất 4 vụ được cho là do cá mập phản ứng tự vệ, chiếm khoảng 3–5% tổng số vụ.

Dù chỉ là phần nhỏ, các nhà khoa học tin rằng tỷ lệ này có thể áp dụng rộng rãi hơn trên toàn cầu – đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiếp xúc với sinh vật biển hoang dã.

Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi về cách chúng ta nhìn nhận cá mập – loài sinh vật vốn được mô tả là “máy giết chóc”. Các nhà khoa học nhấn mạnh: cá mập thường dè dặt, thậm chí sợ hãi con người, và những phản ứng mạnh mẽ của chúng là để sinh tồn chứ không phải để trả thù.

Như Ý (Daily Mail)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-moi-ca-map-can-nguoi-co-the-chi-la-hanh-dong-tu-ve/20250429100428825