Phát hiện mới gây hại não: Nhiên liệu hàng hải sạch cũng khiến đại dương và Trái đất nóng lên

Từ lâu, nhiên liệu hàng hải chất lượng kém đã xả một lượng lớn khí thải độc hại vào bầu khí quyển. Thế nhưng, nhiên liệu hàng hải sạch được cải tiến cũng không giúp cải thiện là bao, thậm chí còn khiến đại dương và Trái đất nóng hơn.

Một nghiên cứu mới công bố ngày 30/5 của Đại học Maryland, Mỹ đã chỉ ra rằng, nhiên liệu sạch dùng cho hàng hải tuy có tác dụng làm giảm một lượng lớn khí dioxit lưu huỳnh (SO2) độc hại, nhưng cũng có thể khiến đại dương ấm hơn, kéo theo nhiệt độ Trái đất nóng lên. Hiện nghiên cứu này đang gây ra 2 luồng tranh cãi trái chiều về tác động của khí dioxit lưu huỳnh lên nhiệt độ Trái đất.

Khí dioxit lưu huỳnh SO2 vừa có hại, lại vừa có lợi

 Nhiên liệu rẻ sử dụng cho tàu biển thải ra một lượng lớn khí dioxit lưu huỳnh.

Nhiên liệu rẻ sử dụng cho tàu biển thải ra một lượng lớn khí dioxit lưu huỳnh.

Tàu biển là một trong những nguồn phát thải và gây ô nhiễm môi trường biển đáng kể. Do các tàu biển thường sử dụng nhiên liệu như dầu diesel hoặc nhựa đường kém chất lượng, nên trong quá trình đốt nhiên liệu, tàu biển thải ra các khí độc hại như SO2 (dioxit lưu huỳnh), NO2 (nitơ oxit) và CO2 (carbon dioxit). Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organization - IMO) đã đưa ra các quy định về nhiên liệu với các chủ tàu vào năm 2020. Theo đó, các chủ tàu phải cắt giảm hàng lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu từ 3,5% xuống 0,5% bằng cách sử dụng nhiên liệu hàng hải sạch. Kể từ thời điểm đó, quy định này đã giúp lượng khí thải dioxit lưu huỳnh trên toàn cầu giảm tới 80%.

Như đã biết từ lâu, dioxit lưu huỳnh là một khí độc gây ô nhiễm không khí và gây hại tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại khí này hình thành các sol khí làm mây dày và sáng lên, giúp phản chiếu tia sáng Mặt trời quay lại không gian. Vì thế, dioxit lưu huỳnh còn đóng vai trò như một lớp lá chắn bảo vệ Trái đất khỏi sự thiêu đốt của Mặt trời, ngăn cho Trái đất khỏi nóng lên. Ông Tianle Yuan, trưởng dự án nghiên cứu cho biết, nhóm của ông đã sử dụng các vệ tinh quan sát để theo dõi các đám mây và nhận thấy, khi lượng khí dioxit lưu huỳnh giảm, độ che phủ của mây cũng giảm. Lúc này, các đám mây sẽ không đủ dày để bảo vệ Trái đất khỏi tia sáng Mặt trời chiếu thẳng tới.

Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng phương pháp “làm sáng mây” ở đại dương có thể trở thành giải pháp địa - kỹ thuật khí hậu (Geoengineering) tiềm năng, có thể can thiệp được vào hệ thống khí hậu, từ đó giảm hiểu hiện tượng nóng lên của Trái đất. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu cách phản xạ nhiệt trở lại không gian bằng đề xuất bơm dioxit lưu huỳnh vào khí quyển. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một ý tưởng gây tranh cãi. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã từng tiến hành phun nước biển vào không khí để làm dày đám mây, làm mát khí hậu.

 Tác dụng không ngờ của khí dioxit lưu huỳnh.

Tác dụng không ngờ của khí dioxit lưu huỳnh.

Các thông tin hiện nay vẫn chưa ngã ngũ

Một số nhà khoa học về khí hậu trên thế giới cũng đồng tình với nghiên cứu này và xác nhận, việc giảm lượng khí dioxit lưu huỳnh là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục vào năm 2023. Ông Stuart Haszeldine, Giám đốc Học viện Biến đổi Khí hậu Edinburgh, thuộc Đại học Edinburgh, Anh lấy dẫn chứng về ưu, nhược điểm của khí dioxit lưu huỳnh thông qua các vụ phun trào núi lửa thải ra dioxit lưu huỳnh trong suốt 2.000 năm qua. Ông Haszeldine cho rằng, hiệu ứng làm mát của dioxit lưu huỳnh là rất rõ thấy. Mặc dù, hiện nay chưa thể đo đạc được chính xác tác động tiêu cực của việc cắt giảm khí dioxit lưu huỳnh đối với nhiệt độ Trái đất nhưng ông Haszeldine cũng coi đây là một cảnh báo đáng lo ngại. Các nhà khoa học ủng hộ nghiên cứu của Đại học Maryland cho rằng, chính sách nhiên liệu sạch của Tổ chức Hàng hải Quốc tế phải chịu trách nhiệm về 80% tổng lượng nhiệt hấp thụ của Trái đất kể từ năm 2020 tới nay.

Trái ngược với quan điểm trên, một số nhà khoa học khác lại chỉ trích nghiên cứu của Đại học Maryland đang phóng đại tác động của chính sách nhiên liệu sạch năm 2020 của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Ông Joel Hirschi của Trung tâm Hải dương học Anh Quốc cho rằng, nhiên liệu hàng hải sạch với hàm lượng lưu huỳnh giảm chỉ là một yếu tố góp phần nhỏ khiến cho nhiệt độ Trái đất nóng lên kỷ lục trong những năm gần đây. Vì thế, nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm kiếm nguyên nhân cốt lõi.

 Khí dioxit lưu huỳnh đã giảm thiểu đáng kể từ năm 2020 sau chính sách nhiên liệu sạch của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Khí dioxit lưu huỳnh đã giảm thiểu đáng kể từ năm 2020 sau chính sách nhiên liệu sạch của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Theo: Reteurs

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/phat-hien-moi-gay-hai-nao-nhien-lieu-hang-hai-sach-cung-khien-dai-duong-va-trai-dat-nong-len-88673.html