Phát hiện mới giúp làm sáng tỏ sự tiến hóa của Mặt Trăng
Ngày 8/10, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết sau khi phân tích các mẫu đất đá trên Mặt Trăng được tàu thăm dò Thường Nga 5 (Chang'e-5) thu thập, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng các mẫu đất đá này có thể có niên đại khoảng 1,96 tỷ năm tuổi.
Đây được xem là phát hiện vô cùng quan trọng, giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ sự tiến hóa của Mặt Trăng.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc và các tổ chức quốc tế khác tiến hành, được đăng tải trên tạp chí Science Friday. Tàu thăm dò Thường Nga 5 từng hạ cánh thành công xuống vùng Oceanus Procellarum của Mặt Trăng, thu thập mẫu đất đá và đem về Trái Đất. Khu vực Oceanus Procellarum có tuổi địa chất trẻ hơn các khu vực lấy mẫu của Mỹ và Liên Xô (cũ) cách đây hơn 40 năm.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu vật và tìm thấy các khoáng chất phổ biến trong đá bazan trên Mặt Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy Mặt Trăng đã từng có các hoạt động núi lửa từ cách đây 1,96 tỷ năm. CNSA cho biết đây là bằng chứng quan trọng cho nghiên cứu về sự tiến hóa của Mặt Trăng.
Thời điểm núi lửa ngừng hoạt động được cho là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử tiến hóa của Mặt Trăng. Nghiên cứu trước đây về các mẫu đất đá trên Mặt Trăng đã không phát hiện bất kỳ hoạt động núi lửa có trước cách đây 2,9 tỷ năm.
Tàu thăm dò Thường Nga 5 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng vào đêm 1/12/2020 để thực hiện nhiệm vụ thu thập các mẫu đất đá. Để thực hiện sứ mệnh này, tàu được trang bị camera để khảo sát bãi đáp và khu vực lấy mẫu, một máy đo phổ hồng ngoại để phát hiện thành phần vật chất của khu vực lấy mẫu và thiết bị để thăm dò cấu trúc dưới bề mặt. Tàu Thường Nga 5 đã trở về hạ cánh xuống Khu tự trị Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc, vào ngày 17/12/2020, mang về khoảng 1,7 gram mẫu vật.