Phát hiện mới trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực

Đợt nắng nóng năm 2020 khiến các lớp đá vôi trong băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tăng nhiệt, thải một lượng lớn khí mêtan vào khí quyển, theo nghiên cứu mới.

Phát hiện này đang làm nổi bạt lên những lo ngại từ lâu của các nhà khoa học về điều được nhiều người gọi là "bom mêtan" - sự giải phóng khí mêtan có khả năng gây thảm họa từ các vùng đất ngập nước tan băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.

Ông Nikolaus Froitzheim, giảng viên tại Viện Khoa học Địa chất tại Đại học Bonn, Đức, đã cùng 2 đồng nghiệp sử dụng bản đồ vệ tinh để đo khí mêtan nồng độ cao trên các sọc đá vôi rộng vài km và dài tới hơn 600 km. Những sọc đá vôi này nằm ở bán đảo Taymyr và khu vực xung quanh phía bắc Siberia của Nga, theo Washington Post.

Nhiệt độ bề mặt của khu vực này trong đợt nắng nóng năm 2020 đã tăng vọt lên -11,7 độ C. Trong các sọc đá dài, hầu như không có đất và thực vật. Vì vậy, khi đá nóng lên, các vết nứt và túi khí mở ra, giải phóng khí metan.

Ông Froitzheim cho biết nồng độ khí mêtan đã tăng lên khoảng 5%. Nồng độ khí mêtan tiếp tục giữ nguyên trong mùa xuân năm 2021 bất chấp sự trở lại của nhiệt độ thấp và tuyết trong khu vực.

 Thông thường, lớp băng vĩnh cửu hoạt động như một chiếc nắp, bịt kín khí mêtan bên dưới. Ảnh: Adobe stock.

Thông thường, lớp băng vĩnh cửu hoạt động như một chiếc nắp, bịt kín khí mêtan bên dưới. Ảnh: Adobe stock.

“Điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi khí mêtan trong những năm tới để xác định chính xác lượng khí mêtan từ địa chất đang được thải vào khí quyển”, ông Ted Schuur, giáo sư sinh thái học tại Đại học Northern Arizona, cho biết. “Đợt nắng nóng là có thật, nhưng liệu nó có kích hoạt sự giải phóng khí mêtan hay không thì chưa thể xác định được, vì chúng ta không có dữ liệu về lượng khí mêtan tăng trong nhiều năm".

Các nguồn khí mêtan lớn nhất trên thế giới đến từ nông nghiệp, chẳng hạn như canh tác lúa. Một nghiên cứu do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ thực hiện cho thấy khí mêtan gây hại cho môi trường nhiều gấp 33 lần so với CO2 trong hơn 100 năm qua và là tác nhân hàng đầu khiến toàn cầu ấm lên.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bang-tan-o-bac-cuc-giai-phong-khi-metan-post1246643.html