Phát hiện mới về loài cá mập lớn nhất thế giới có 'đôi mắt bọc thép'
Các nhà khoa học đã phát hiện ra những con cá mập lớn nhất trên thế giới có những chiếc răng nhỏ trên nhãn cầu.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Okinawa Churashima, Nhật Bản do Taketeru Tomita dẫn đầu đã tìm thấy những chiếc răng nhỏ trên mắt cá mập voi, một loài động vật dễ nhận thấy với lớp da có đốm độc đáo.
Những con cá mập voi có nhãn cầu nhô ra khỏi hốc mắt, một đặc điểm khiến chúng dễ bị thương hơn. Chúng không có mí mắt, và cơ chế bảo vệ duy nhất được biết là loài này có thể xoay "toàn bộ nhãn cầu trở lại hốc mắt".
Do số lượng các cá thể hạn chế, việc sử dụng các phương pháp truyền thống trong nghiên cứu các sinh vật đại dương to lớn như cá mập voi gặp nhiều khó khăn. Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm nghiên cứu đã tận dụng những mẫu cá mập voi được nuôi trong thủy cung, cùng với các mẫu vật đã chết. Họ đã sử dụng một loạt các kỹ thuật để kiểm tra hình thái bảo vệ mắt của chúng và so sánh với các loài cá mập khác. Các phát hiện cho thấy cá mập voi có "đôi mắt bọc thép" độc đáo.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nhãn cầu được bọc răng của cá mập voi là một cách bảo vệ mắt mới lạ trong số các loài động vật có xương sống. Theo các nhà khoa học này, "các răng xuất hiện ở khu vực mắt khác về hình thái so với các răng mọc trên da được phân bố trên phần còn lại của cơ thể”.
"Theo như chúng tôi biết, răng ở mắt không được tìm thấy ở phân lớp cá nhám (cá mập và các loài cá đuối), bao gồm cả các loài có liên quan chặt chẽ với cá mập voi", các nhà nghiên cứu nhận định.
Nghiên cứu nhấn mạnh: "Răng ở mắt là một đặc điểm độc đáo của cá mập voi". Phát hiện của họ cũng cho thấy nhãn cầu của cá mập voi có thể xoay và rút lại, giúp chúng có thêm khả năng bảo vệ cơ thể.
Trước đây, người ta cho rằng cá mập voi hầu như phụ thuộc rất ít vào thị giác so với các giác quan khác. Tuy nhiên, những phát hiện mới đây đã cho thấy những khía cạnh khác. Các nhà khoa học trên cho rằng những nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào các khía cạnh khác của thị giác, bao gồm phạm vi màu sắc, trường thị giác và độ nhạy./.