Phát hiện một hành tinh giống y hệt Trái Đất
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một bản sao có khá nhiều điểm tương đồng với Trái Đất, cách hệ Mặt Trời của chúng ta tới 3.000 năm ánh sáng.
Theo các nhà khoa học, dải Ngân Hà bị thống trị bởi các ngôi sao lùn đỏ, tuy nhiên, khi nhìn lên bầu trời, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy chúng.
Những ngôi sao này nhỏ hơn Mặt Trời của chúng ta và không thể được nhìn thấy bằng mắt thường. Ngay cả ngôi sao gần nhất - Proxima Centauri - cũng cách chúng ta tới 4,24 năm ánh sáng. Đây cũng là ngôi sao lùn đỏ được chú ý nhiều nhất, trở thành tâm điểm của cuộc đua săn tìm hành tinh.
Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện được hơn 4.000 ngoại hành tinh (hành tinh nằm ở ngoài Hệ Mặt Trời) quay quanh các ngôi sao lùn đỏ, chúng mờ hơn Mặt Trời và và phát ra bức xạ hồng ngoại chứ không phải ánh sáng mà chúng ta vẫn nhìn thấy.
Mặc dù có thể đã có sự sống trên các hành tinh này nhưng các vụ nổ phóng xạ năng lượng cao được cho là đã hủy diệt sự sống này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tìm thấy một hành tinh giống y hệt Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn đỏ giống Mặt trời của chúng ta. Đây có thể được xem như phần thưởng cho những người săn ngoại hành tinh.
Kepler-160 được Kính viễn vọng vũ trụ Kepler phát hiện và liên tục được quan sát từ năm 2009 đến 2013. Ảnh: Forbes
Ngày 4/6, Viện nghiên cứu Hệ Mặt trời Max Planck Institute (MPS) đã công bố một báo cáo mới rằng cơ quan này vừa phát hiện ra một hành tinh rất giống với Trái Đất, được gọi là KOI-456.04 quay quanh một ngôi sao lùn đỏ được gọi là Kepler-160. Hành tinh này cách Hệ Mặt trời khoảng 3000 năm ánh sáng.
Và dưới đây là lý do khiến nhiều người hy vọng KOI-456.04 sẽ là bản sao của Trái Đất:
- Một năm trên KOI-456.04 bằng 378 ngày.
- Ánh sáng mà KOI-456.04 nhận được bằng 93% ánh sáng Trái Đất nhận được Mặt Trời.
- Nhiệt độ trên bề mặt của hành tinh này rơi vào khoảng +5 độ C, thấp hơn khoảng 10 độ C so với nhiệt độ trung bình toàn cầu của Trái Đất - nếu nó có bầu khí quyển giống Trái Đất.
- Nó nằm trong “khu vực có thể ở được”, nơi mà nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt của nó.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa KOI-456.04 và Trái Đất là ngoại hành tinh này có kích thước lớn gần gấp đôi Trái Đất. “Nó tương đối lớn so với nhiều hành tinh khác. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa một hành tinh lớn gấp đôi Trái Đất và ngôi sao chủ kiểu mặt trời lại khiến nó trở nên đặc biệt và quen thuộc”, Tiến sĩ René Heller, nhà khoa học của MPS cũng là tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết.
Bên cạnh đó, KOI-456.04 cũng nhỏ hơn rất nhiều so với hầu hết các hành tinh “có thể ở được” cho đến nay.
Một điều quan trọng khác là ngôi sao của nó. Xét riêng các đặc tính vật lý dưới đây, Kepler-160 có thể được coi là bản sao của Mặt Trời.
- Bán kinh của Kepler-160 lớn hơn khoảng 1/10 so với Mặt trời.
- Nhiệt độ bề mặt của nó là 5.200 độ C, chỉ thấp hơn Mặt trời 300 độ C.
- Độ sáng giữa hai ngôi sao rất giống nhau.
- Mức độ chiếu sáng của Kepler-160 đối với KOI-456.04 cũng tương tự loại ánh sáng ban ngày mà chúng ta nhận được trên Trái Đất.
Kết luận, Kepler-160 rất giống với ngôi sao mẹ của chúng ta, MPS cho biết.
Các nhà thiên văn học trước đó đã cho biết Kepler-160 còn có hai ngoại hành tinh khác là Kepler-160 b and Kepler-160, cả hai đều có kích thước lớn hơn Trái Đất và ở gần ngôi sao của chúng hơn so với KOI-456.04.
KOI-456.04 được khám phá nhờ việc sử dụng một thuật toán tìm kiếm mới nhằm phát hiện các thay đổi nhỏ trong chu kỳ quỹ đạo của Kepler-160 c.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự phỏng đoán dựa trên các con số toán học, KOI-456.04 có là một hành tinh thực sự hay không vẫn phải chờ sự thừa nhận của các nhà thiên văn học cũng nhữ các bằng chứng cụ thể. Nhóm nghiên cứu KOI-456.04 cho rằng cơ hội để nó trở thành một hành tinh thực sự lên tời 85%.
“Cho đến hiện tại, KOI-456.04 vẫn là một ứng cử viên sáng giá”, ông Heller nói.
Theo Forbes
Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/phat-hien-mot-hanh-tinh-giong-y-het-trai-dat-485049.html