Phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ tại Ninh Bình

Phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ; Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Khánh thành Tượng đài 'Bác Hồ với nông dân Việt Nam' là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Bình.

Hoa văn trang trí trên sập đá cổ. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Ninh Bình.

Hoa văn trang trí trên sập đá cổ. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Ninh Bình.

Ninh Bình: Mới đây, trong quá trình canh tác, người dân xã Xích Thổ, huyện Nho Quan đã phát hiện một sập đá nghi là di vật cổ.

Sập đá nằm sâu dưới mặt ruộng canh tác hoa màu, mà theo người dân địa phương khu vực này xưa thuộc xứ Đồng Tráng - một điểm tụ cư của mấy chục hộ gia đình, trước kia tại đây còn có ngôi đình Trại Ảnh. Nhưng do nằm ở ngoài đê, bên tả dòng sông Bôi, thường xuyên bị lũ lụt nên vào những năm 60, nhân dân đã chuyển hết vào phía trong đê sinh sống (nay là thôn Lạc Long). Một số vật liệu kiến trúc ngôi đình Trại Ảnh cũng được dỡ về phục vụ việc xây dựng công trình trạm y tế xã. Do vậy, rất có thể đây là sập đá phục vụ lễ nghi tín ngưỡng trong đình Trại Ảnh còn sót lại.

Trước nguy cơ bờ bãi ven sông này bị sụt lở do lũ lụt, hiện vật này có thể bị vùi lấp, Sở Văn hóa và Thể thao đã giao cho Bảo tàng Ninh Bình phối hợp với chính quyền địa phương di dời hiện vật về bảo quản.

Qua nghiên cứu, đánh giá ban đầu, các cán bộ chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: sập được tạo tác từ đá vôi nguyên khối, làm theo phong cách kiểu "chân quỳ dạ cá". Kích thước dài 165cm, rộng 128cm, cao 53cm. Mặt trên của sập được làm nhẵn, bốn mặt hông sập chạm khắc trang trí nhiều họa tiết hoa văn như: rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu. Đặc biệt các đồ án rồng chầu được thể hiện một cách khỏe khoắn, thân mập, đuôi thẳng, lưng yên ngựa.

Ở bốn góc chân sập trang trí hình mặt linh thú cách điệu. Phong cách tạo tác tổng thể cũng như trang trí các đồ án hoa văn có nhiều nét giống các sập đá ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng đế, đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Theo nhận định ban đầu, sập đá có niên đại trong khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật.

Bắc Ninh: UBND thành phố Bắc Ninh vừa có Văn bản về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đưa các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố trở lại trong điều kiện bình thường mới, UBND thành phố Bắc Ninh yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các phường tăng cường công tác quản lý đối với các sự kiện, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao,…trên địa bàn bảo đảm an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các yêu cầu và biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bình thường mới, góp phần tích cực kích cầu du lịch, cũng như phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại lễ hội; không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; giáo dục truyền thống, khơi dậy giá trị tốt đẹp, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; không tổ chức lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân; đảm bảo môi trường an toàn và phát huy giá trị lễ hội.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đồng thời, quản lý, tổ chức sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao các cấp và nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất của nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND thành phố yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan của thành phố và UBND các phường nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện.

Thái Bình: Lễ khánh thành Tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam", đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình sẽ được tổ chức vào ngày 16/8/2020, tại Quảng trường Thái Bình.

UBND tỉnh Thái Bình vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài "Bác Hồ với nông dân Việt Nam", đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình.

Mục đích nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng; khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống quê hương, tạo động lực đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, ý nghĩa của Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam nhằm giáo dục truyền thống, ghi nhớ tình cảm của Bác với giai cấp nông dân, sự tôn kính của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Thái Bình nói riêng đối với Bác.

Thông qua sự kiện, quảng bá và giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng và hình ảnh về mảnh đất, con người Thái Bình qua 130 năm xây dựng và phát triển.

Tổng kết, đánh giá kết quả đạt được của các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; phát động phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong giai đoạn mới.

Tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh trong năm 2020.

Lan Anh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/phat-hien-mot-sap-da-nghi-la-di-vat-co-tai-ninh-binh-20200706162149377.htm