Phát hiện nghiên cứu sinh tiến sĩ dùng giấy tờ giả để đạt học bổng du học

PAKISTAN - Một vụ việc liên quan đến học bổng tiến sĩ du học Pháp đang gây chú ý khi Tòa án Cấp cao Islamabad (IHC) xác nhận rằng giấy bảo lãnh nộp kèm hồ sơ của một nghiên cứu sinh là giả mạo.

Imran Taj, một nghiên cứu sinh tiến sĩ, đã nhận được học bổng của Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan (HEC) để du học tại Pháp. Để được nhận học bổng, Taj phải cam kết quay trở lại Pakistan làm việc trong 4 năm sau khi hoàn thành chương trình học. Đồng thời, anh cần có người bảo lãnh để đảm bảo cam kết này.

Vào ngày 2/6/2005, Taj nộp đơn xin học bổng, và ngày 26/12/2005, anh ký cam kết với HEC. Trong hồ sơ, anh đã nộp giấy tờ tài sản đứng tên Abdul Waheed làm bảo lãnh. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình học tại Pháp, Taj đã không quay về Pakistan như đã cam kết, theo The Minutemirror.

Lúc này, khi bị triệu tập và yêu cầu bồi hoàn tiền, Abdul Waheed, người được khai báo là bảo lãnh, khẳng định rằng ông chưa từng ký vào bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến học bổng này. Sau khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng, Cục Điều tra Liên bang (FIA) đã tiến hành giám định chữ ký.

Geo News đưa tin hôm 4/1, báo cáo giám định chỉ ra rằng các chữ ký trên giấy bảo lãnh khác biệt rõ ràng so với mẫu chữ ký thật của ông Waheed, từ độ mượt mà, mức độ tì bút, đến dấu hiệu không liền mạch. FIA kết luận đây là chữ ký giả mạo.

Thẩm phán Mohsin Akhtar Kayani của IHC đã đưa ra phán quyết dài 12 trang, trong đó tuyên bố Ủy ban giáo dục Đại học Pakistan không được yêu cầu ông Abdul Waheed bồi thường 25 triệu rupee (khoảng 2,2 tỷ đồng). Phán quyết của tòa án dân sự trước đó, buộc ông Waheed trả 85.406 euro (khoảng 2,2 tỷ đồng) và 76.386 rupee (khoảng 6,9 triệu đồng), cũng bị hủy bỏ.

Tòa án cũng yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc gian lận này, trong đó Ủy ban giáo dục Đại học Pakistan có quyền khởi kiện hình sự đối với Imran Taj vì sử dụng giấy tờ giả mạo để nhận học bổng.

Cơ quan giáo dục này cũng được yêu cầu thiết lập các điều khoản nghiêm ngặt hơn và cải cách chính sách học bổng để tránh các trường hợp tương tự trong tương lai.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-hien-nghien-cuu-sinh-tien-si-dung-giay-to-gia-de-dat-hoc-bong-du-hoc-phap-2360246.html