Phát hiện ngọn núi chưa từng biết là 'mộ phần' siêu quái vật biển
Tàu lặn điều khiển từ xa Hercules đã có phát hiện ngoạn mục về siêu quái vật biển megalodon ở độ sâu hơn 3.000 m bên dưới một đảo san hô phía Nam Hawaii - Mỹ.
Theo Live Science, thiết bị thăm dò biển sâu của Công ty Ocean Exploration Trust (OET) khi đó đang khám phá một ngọn núi ngầm chưa từng biết gần đảo san hô Johnston thì phát hiện một chiếc răng quái vật khổng lồ cắm vào núi.
Khu vực tìm kiếm thuộc Thái Bình Dương, cách phía Nam Hawaii - Mỹ khoảng 1.300 km.
Ngọn núi nơi răng quái vật lộ diện cũng là một ngọn núi biển sâu chưa từng được biết đến trước đây, nên lúc đó tàu lặn của Ocean Exploration Trust đang thu thập các mẫu vật từ vùng biển đó.
Chiếc răng cũng được lấy mẫu tại chỗ và sau đó được xác định là răng của siêu quái vật megalodon.
Megalodon là loài cá mập "quái vật" đã tuyệt chủng, với những con lớn nhất được cho là dài tới 20 m, tức khoảng 3 lần các con cá mập trắng khổng lồ nhất thời hiện đại.
Chúng đã đứng đầu chuỗi thức ăn của đại dương Trái Đất từ khoảng 20 triệu năm trước cho đến khi biến mất vào khoảng 3,6 triệu năm trước.
Chúng cũng là một trong những quái vật biển to lớn và nguy hiểm nhất mọi thời đại, với cơ thể và độ "sát thủ" sánh ngang các con bò sát biển của "kỷ nguyên khủng long".
PGS Nicola Straube từ Bảo tàng Đại học Bergen (Na Uy), đồng tác giả nghiên cứu, mô tả chiếc răng được khai quật ở độ sâu 3.000 m này là phát hiện đáng kinh ngạc.
"Hóa thạch này được phát hiện tại một địa điểm biển sâu rất xa, nơi mà các hóa thạch megalodon hiếm khi được ghi nhận" - PGS Straube nói.
Điều này cũng cho thấy ngọn núi chưa từng biết trên có thể là mộ phần của con megalodon đó.
Theo đồng tác giả Jurrgen Pollenspocl từ Bộ sưu tập động vật học bang Bavaria (Đức), hóa thạch này cung cấp thêm hiểu biết quan trọng về sự phân bổ của siêu quái vật biển này.
Mẫu vật chỉ ra rằng những con cá mập quái vật cổ xưa không phải loài thuần túy ven biển, mà đã di cư qua các khu vực rộng lớn hơn của đại dương, y như cá mập trắng lớn thời hiện đại.