Phát hiện nhiều loài Cầy quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Nhằm bảo tồn các loài động vật quý hiếm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai Dự án khoa học Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae) tại Khu bảo tồn (2021 - 2023).

Cầy Vòi hương xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Cầy Vòi hương xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Tới thời điểm này, dự án đã điều tra thực địa với 8 đợt bẫy ảnh, từ đó phát hiện được 4 loài Cầy quý hiếm gồm Cầy Vằn bắc, Cầy Vòi mốc, Cầy Vòi hương và Cầy Móc cua đang sinh sống, kiếm ăn tại các tiểu khu rừng.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết: Các kiểm lâm viên sẽ xác định các yếu tố tự nhiên làm ảnh hưởng đến môi trường sống và nguy cơ suy giảm quần thể của các loài trong họ Cầy tại các tiểu khu rừng thuộc 4 xã Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân thuộc huyện miền núi Thường Xuân. Đồng thời, đơn vị xây dựng 30 tuyến điều tra trên thực địa, sinh cảnh sống của các loài trọng họ Cầy, qua đó các kiểm lâm viên sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu bản đồ về quần thể, phân bố và sinh cảnh của các loài trong họ Cầy.

Cầy Vòi mốc xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Cầy Vòi mốc xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Bên cạnh đó, kiểm lâm viên đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 11 thôn vùng đệm Khu Bảo tồn về bảo tồn các loài Cầy, xây dựng trang thông tin về loài được thể hiện bằng tranh ảnh. Đơn vị thành lập đội tuần tra và tổ chức hai đợt tuần tra, kiểm tra rừng vào giữa năm và trong dịp Tết, đây là thời điểm có nguy cơ cao rừng bị xâm hại. Dự án phấn đấu khi kết thúc sẽ xây dựng được một khu cứu hộ có diện tích khoảng 100 m2 để phục vụ cứu hộ, chăm sóc và tái thả các loài Cầy ngoài tự nhiên.

Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, họ Cầy (Viverridae) là nhóm thú đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới, chúng làm tổ ở hang, hốc cây, thức ăn là động vật nhỏ, gặm nhấm, chim, ếch, nhái, côn trùng... Trên thế giới, họ Cầy có khoảng 33 loài trong 23 giống, thuộc 4 phân họ và có tới gần 350 phân loài khác nhau.

Loài Cầy Vằn bắc (Chorotogale owstoni) có bộ lông vàng nhạt hoặc xám bạc và có nhiều đốm đen ở sườn và đùi, thức ăn gồm giun đất, quả cây, chuột, ếch, nhái, trứng chim. Đây là loài đã có tên trong sách đỏ Việt Nam, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Cầy vằn bắc xuất hiện tại các tiểu khu rừng 494 và 500.

Chồn họng vàng tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Chồn họng vàng tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Loài Cầy Vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) nặng từ 3-5 kg, chiều dài thân 48-70 cm, bộ lông nền màu xám, thức ăn chủ yếu là trái cây rừng, côn trùng. Cầy Vòi hương sinh sản quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 10, 11, 12, mỗi con lứa đẻ từ 2 đến 4 con. Tại Khu Bảo tồn Xuân Liên, loài này xuất hiện tại các tiểu khu 497, 498, 489, 494 và 520…

Việc thực hiện dự án này sẽ nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng được phục hồi, tạo nên sự cân bằng sinh thái, qua đó góp phần bảo vệ các loài động vật rừng hoang dã tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Nguyễn Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-hien-nhieu-loai-cay-quy-hiem-tai-khu-bao-ton-thien-nhien-xuan-lien-20230315213511664.htm