Phát hiện nhiều ổ dịch bệnh dại, Đắk Lắk tăng tốc phủ vắc-xin cho vật nuôi

Trước tình hình ghi nhận 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật và 3 ổ dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo khẩn trương rà soát, tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc-xin.

Xảy ra nhiều ổ dịch bệnh dại trên động vật

Từ đầu năm đến cuối tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 4 huyện (Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng, Lắk). Số chó chết và tiêu hủy bắt buộc là 10 con. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đã có 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại 2 huyện là Krông Ana và M’Drắk.

Không chỉ vậy, trên địa bàn tỉnh còn phát sinh 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã của 2 huyện/thị xã/thành phố (huyện Cư M’gar và Tp.Buôn Ma Thuột), tổng lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 38 con (1.974 kg).

Từ đầu năm đến cuối tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 4 huyện.

Từ đầu năm đến cuối tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 4 huyện.

Trước tình hình trên, ngày 1/4, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thiên Văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và sát trùng tiêu độc, bảo đảm đúng thời hạn.

Đồng thời, rà soát tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung, đảm bảo ít nhất 80% đàn vật nuôi được tiêm đúng, đủ vắc-xin, nhất là với các bệnh nguy hiểm. Tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại khu vực có nguy cơ cao, phát hiện sớm và xử lý triệt để; đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Lực lượng chức năng nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Lực lượng chức năng nỗ lực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Nguy cơ vẫn còn, không thể chủ quan

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi là việc rất quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai các chương trình, kế hoạch chăn nuôi, thú y theo quy định pháp luật, góp phần phát triển đàn vật nuôi ổn định, tăng trưởng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên động vật.

Các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên động vật.

Ông Trần Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Đắk Lắk cơ bản đã được kiểm soát tốt, không ghi nhận các bệnh như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, một số bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi – bệnh nguy hiểm cả trong tỉnh, trong nước và trên thế giới. Bệnh dại cũng là mối đe dọa lớn đến sức khỏe con người khi bị động vật cắn; nếu không tiêm phòng kịp thời, người nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong trong 1–2 tháng.

Ngoài ra, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y còn mỏng, chế độ phụ cấp cho cán bộ thú y cơ sở chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, thông tin về tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian qua.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, thông tin về tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian qua.

Ông Trần Ngọc Sơn nhấn mạnh, để phát triển chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh và thực phẩm, cần sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp để huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ chăn nuôi phải chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng loại vắc-xin cho vật nuôi.

Ông Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm bố trí đủ biên chế cho ngành chăn nuôi, thú y theo quy định; đồng thời cần có chế độ, chính sách phù hợp để đội ngũ thú y cấp xã yên tâm công tác, phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-hien-nhieu-o-dich-benh-dai-dak-lak-tang-toc-phu-vac-xin-cho-vat-nuoi-204250404102825143.htm